Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai được áp dụng với đối tượng nào?
Đối tượng của chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai được quy định tại Điểm 1 Khoản 2 Điều 1 Quyết định 923/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư do Thủ tướng Chính phủ ban hành, theo đó:
Đối tượng của Chương trình này được quy định tại điểm b khoản 5 Mục VI Quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ và một số chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ như: Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012, Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9 tháng 01 năm 2012, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013, Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013, Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2009, Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2006, Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2009, Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2009, Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012, Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 11 năm 2014 và các đối tượng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo quy định trên đây chúng tôi sẽ nêu cụ thể đến bạn hiểu rõ vấn đề cần giải đáp. Đối tượng của chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai bao gồm:
- Hạ tầng thiết yếu của các vùng sản xuất tập trung thực hiện chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Hạ tầng thiết yếu của các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung quy mô lớn, các vùng sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Hạ tầng thiết yếu của các trung tâm giống cây trồng và vật nuôi từ cấp tỉnh trở lên nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Các dự án thực hiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Các dự án nâng cấp cải tạo hệ thống đê sông, đê biển.
- Các dự án nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước ngọt, các hệ thống thủy lợi trên các đảo lớn có đông dân cư chưa thực hiện; các dự án đầu mối chưa nước phục vụ sinh hoạt cho các huyện núi đá Hà Giang, lục khu Cao Bằng; nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo an toàn hồ chứa nước.
- Các dự án hạ tầng thiết yếu nhằm ổn định đời sống dân cư vùng thiên tai, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, sắp xếp dân cư vùng biên giới, di cư tự do theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Hạ tầng tái định cư các dự án lớn theo các quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ.
- Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020.
- Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.
- Chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
- Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
- Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020.
- chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020.
- Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam.
- Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.
- Đề án nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước ngọt và xây dựng hệ thống thủy lợi trên các đảo có đông dân cư.
- Chương trình Bố trí dân cư vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
- Chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện.
Trên đây là tư vấn về đối tượng của chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai ổn định đời sống dân cư. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Quyết định 923/QĐ-TTg năm 2017. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi có thể giúp ích được cho bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật