Ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được pháp luật quy định như thế nào?
Ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được pháp luật quy định tại Điều 39 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH năm 2016 hợp nhất Luật quản lý thuế do Văn phòng Quốc hội ban hành, cụ thể về vấn đề này như sau:
1. Cơ quan hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau đây:
a) Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai báo căn cứ tính thuế, tính và kê khai số thuế phải nộp; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác các căn cứ tính thuế làm cơ sở cho việc tính thuế;
b) Người khai thuế từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài quá thời hạn quy định việc cung cấp các tài liệu liên quan cho cơ quan hải quan để xác định chính xác số thuế phải nộp;
c) Cơ quan hải quan có đủ bằng chứng về việc khai báo trị giá không đúng với trị giá giao dịch thực tế;
d) Người khai thuế không tự tính được số thuế phải nộp.
2. Cơ quan hải quan căn cứ hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu; căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế; tài liệu và các thông tin khác có liên quan để ấn định số thuế phải nộp.
Như vậy, cơ quan quản lý thuế sẽ ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp như, có căn cứ cho rằng người khai thuế không trung thực trong việc kê khai hồ sơ khai thuế, quá thời hạn khai thuế nhưng người khai thuế không thực hiện việc khai thuế theo đúng quy định của Luật quản lý thuế, người khai thuế không xác định được nghĩa vụ thuế phải thực hiện, và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung câu trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được pháp luật quy định. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH năm 2016.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật