Nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ là gì?

Nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ là gì? Tôi xin tự giới thiệu, tôi tên là Hồng Phương, hiện tôi đang làm việc tại Công an Quận Thủ Đức, có vấn đề thắc mắc về nghiệp vụ tôi muốn nhờ tư vấn. Tôi hiện đang làm việc tại Phòng quản lý trật tự xã hội thuộc Công an Quận Thủ Đức. Trong quá trình làm việc, có một số đối tượng cơ quan tôi phải tiến hành tạm giữ người vi phạm. Để đảm bảo đúng quy định pháp luật, tôi muốn tìm hiểu quy định của pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ. Tôi nghe nói có quy định mới về việc tạm giữ nên muốn được hướng dẫn về nội dung này. Mong sớm nhận được phản hồi. Chân thành cảm ơn! (hong.phuong***@gmail.com)

Tạm giam, tạm giữ được áp dụng đối với những đối tượng và trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 117 và Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể:

- Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

- Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Đối với việc quản lý, thi hành tạm giữ thì áp dụng theo những nguyên tắc quy định tại Điều 4 Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau:

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh lệnh, quyết định về tạm giữ, tạm giam, trả tự do của cơ quan, người có thẩm quyền.

3. Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

4. Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan.

5. Áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Trên đây là nội dung tư vấn về nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ 2015 để hiểu rõ hơn nội dung này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào