Có phải phiên tòa hình sự nào cũng được xét xử công khai?
Việc xét xử công khai phiên tòa hình sự được quy định tại Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Việc xét xử công khai phiên tòa hình sự là một trong những nguyên tắc chủ đạo của Bộ luật tố tụng hình sự nói riêng và hoạt động tố tụng nói chung. Tổ chức xét xử vụ án hình sự công khai xuất phát từ việc bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong quá trình tố tụng của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Về nguyên tắc thì mọi phiên tòa đều phải được mở xét xử công khai, mọi công dân đều có quyền được tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cũng đồng thời quy định các trường hợp ngoại lệ. Theo đó, vụ án sẽ được tiến hành xét xử kín, tuy nhiên phải tuyên án công khai đối với trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự. Xét trên thực tế thì việc quy định những trường hợp ngoại lệ này để Tòa án được quyền không thực hiện xét xử công khai là hoàn toàn cần thiết và hợp lý.
Như vậy, đối với thắc mắc của bạn, cần lưu ý, những trường hợp đặc biệt mà Tòa án được quyền xét xử kín nhằm đảm bảo các mục đích như quy định nêu trên.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc tòa án tiến hành xét xử công khai vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết hơn nội dung này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật