Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự được quy định thế nào?

Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự được quy định thế nào? Chào các bạn trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi là Mai Hương, hiện đang công tác tại UBND huyện Ba Tri, Bến Tre. Gần đây, do nhu cầu công việc, tôi có tìm hiểu thêm các quy định trong hoạt động tố tụng hình sự. Tôi thắc mắc không biết pháp luật hiện hành quy định ra sao về vấn đề bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện hoạt động tố tụng. Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại văn bản nào? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Vũ Trần Mai Hương (huong***@gmail.com)

Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự tại Điều 32 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2008). Theo đó: 

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cá nhân nào thuộc các cơ quan đó.

Cơ quan, người có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật; gửi văn bản kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo, cơ quan, tổ chức khiếu nại và có biện pháp khắc phục.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo do Bộ luật này quy định.

Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống người khác.

Hoạt động tố tụng trong lĩnh vực hình sự nói riêng và trong tất cả các lĩnh vực tố tụng nói chung đều phải tuân theo nguyên tắc chủ đạo là đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh, tuân theo hiến pháp và pháp luật. Cùng với việc đề ra nguyên tắc yêu cầu tính công bằng, công khai trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, pháp luật cũng đồng thời trao cho công dân quyền được thể hiện ý kiến, quan điểm của mình đối với hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tố tụng của các cơ quan công quyền thông qua hoạt động khiếu nại, tố cáo. Theo đó, khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự là một trong những nội dung quan trọng thể hiện quyền cơ bản của công dân, có quan hệ mật thiết với Luật Khiếu nại, tố cáo và các quy định về khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực khác.

Căn cứ quy định trên, ta có thể rút ra một số đặc điểm chính của quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự như sau:

Thứ nhất, khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự được giới hạn bởi một phạm vi nhất định, phạm vi này được thể hiện rất rõ và cụ thể, chỉ trong các hoạt động tố tụng.

Thứ hai, người có quyền khiếu nại, tố cáo là cá nhân, tổ chức bị quyết định tố tụng, hành vi tố tụng xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ ba, đtượng khiếu nại là những hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động tố tụng. Các hoạt động tố tụng này thường thể hiện ra bên ngoài thành những dạng cụ thể bằng: quyết định tố tụng, hành vi tố tụng.

Thứ tư, người bị khiếu nại chính là chủ thể có quyền tiến hành tố tụng hoặc chủ thể được quyền thực hiện một số hoạt động tố tụng.

Thứ năm, chủ thể có quyền phải có hành vi đề nghị người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét lại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng.

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, khi có cơ sở cho rằng, hoạt động tố tụng của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc của cơ quan Nhà nước, cá nhân, tổ chức hoàn toàn có quyền thực hiện việc khiếu nại, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết. Quy định này là một trong những minh chứng cho việc đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh trong quá trình xét xử vụ án hình sự nói riêng và hoạt động tố tụng nói chung.

Trên đây là nội dung tư vấn về bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào