Ai có trách nhiệm chứng minh tội phạm?
Trách nhiệm chứng minh tội phạm được quy định tại Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2008). Theo đó:
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng gồm: Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án.
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng, các cơ quan của Hải quan; các cơ quan của Kiểm lâm, các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan của Kiểm ngư, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Việc quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng là hoàn toàn hợp lý bởi theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Điều này cũng có nghĩa là thừa nhận người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình.
Ngược lại, để xác định một người là người phạm tội, trên cơ sở đó truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) phải chứng minh được người đó là người thực hiện hành vi bị Luật hình sự coi là tội phạm. Nếu không chứng minh được một người đã thực hiện tội phạm thì không thể kết tội người đó. Trên thực tế, có thể một người đã thực hiện tội phạm. Về khách quan, họ là người phạm tội, nhưng nếu không chứng minh được người đó đã thực hiện hành vi được Luật hình sự coi là tội phạm, thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không thể truy cứu, áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người đó. Chứng minh tội phạm là một quá trình. Qúa trình đó diễn ra ở cả giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Quyền và trách nhiệm chứng minh tội phạm không chỉ thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mà còn thuộc về cả Tòa án.
Như vậy, bằng việc quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Bộ luật tố tụng hình sự đã làm sáng tỏ nội dung nguyên tắc xác định sự thật của vụ án đồng thời thể hiện sự thống nhất với các nguyên tắc khác trong tổng thể những nguyên tắc phải tuân thủ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm chứng minh tội phạm. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật