Chồng trong trại giam từ chối luật sư do vợ mời phải làm sao?
Theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này.
Theo quy định trên và Thông tư 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ Công an quy định, người bị tạm giữ có quyền nhờ luật sư bào chữa và luật sư được tham gia bào chữa cho người bị tạm giữ kể từ khi bị bắt giữ.
Theo Điểm b mục 2 phần II Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004, đối với bị can, bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, thì chỉ có họ mới có quyền lựa chọn người bào chữa; do đó, trong trường hợp người thân của họ hoặc người khác lựa chọn (nhờ) người bào chữa cho họ, thì vẫn phải hỏi ý kiến của bị can, bị cáo.
Do đó, nếu người bị tạm giam, bị cáo từ chối luật sư thì mặc dù có yêu cầu của người thân thích thì luật sư vẫn không được tham gia bào chữa.
Điều 5 Thông tư 70/2011/TT-BCA yêu cầu luật sư tham gia bào chữa phải có đủ các giấy tờ sau đây: Thẻ luật sư (bản sao có chứng thực); Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can; giấy yêu cầu luật sư của người thân người bị tạm giữ, bị can (đối với trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có giấy nhờ người thân liên hệ nhờ luật sư bào chữa); hoặc giấy yêu cầu luật sư của người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can (đối với người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất); Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề luật sư hoặc giấy giới thiệu của Đoàn luật sư (đối với trường hợp hành nghề với tư cách cá nhân).
Thư Viện Pháp Luật