Tự thú là gì?
Tự thú được định nghĩa tại Điểm h Khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2008). Theo đó:
Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.
Về vấn đề tự thú có phải là đầu thú hay không, ta có thể hiểu như sau:
Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.
Như vậy, căn cứ quy định trên, ta thấy tự thú và đầu thú là hai khái niệm khác nhau chứ không phải là 2 cách gọi của cùng một khái niệm. Cụ thể, đây đều là hành động của người thực hiện tội phạm tự giác tiến hành trình báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của bản thân, tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai khái niệm này đó là thời điểm khai báo. Theo đó, hành động của một người được gọi là tự thú khi người đó thực hiện tội phạm và chưa bị phát hiện bởi bất kỳ chủ thể nào đã thực hiện việc trình báo về hành vi phạm tội. Còn trường hợp người đó tự nguyện trình diện, cũng khai báo về hành vi phạm tội nhưng được tiến hành sau khi đã có nguồn tin cho biết có tội phạm xảy ra thì hành động này không được gọi là tự thú mà được xác định là đầu thú.
Trên thực tế, trong một vụ án, nếu người thực hiện tội phạm tự giác trình báo, khai nhận về hành vi phạm tội cho dù ở giai đoạn nào cũng đều góp phần tạo thuận lợi cho việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, về bản chất, hành động tự thú cho thấy ý thức tự giác chủ động nhận tội của người phạm tội cao hơn nên được xét vào một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người thực hiện tội phạm. Còn đầu thú cho thấy ý thức chủ động nhận tội của người phạm tội có phần bị hạn chế, nhiều trường hợp họ không còn cách nào để trốn tránh cơ quan điều tra, buộc phải ra trình diện nên không được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội còn phụ thuộc vào nhiều tiêu chí khác như: người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm, người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả, phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng,...
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm tự thú. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật