Người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự gồm những ai?

Người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Những ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm vụ án hình sự của hoa hậu Phương Nga bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đại gia Cao Toàn Mỹ. Trong quá trình theo dõi vụ án, tôi được biết diễn biến khá phức tạp, trong đó, cứ qua mỗi phiên xét xử, tôi lại thấy có sự xuất hiện của những người mới tham gia vào quá trình xét xử. Tôi thắc mắc không biết, ngoài các cơ quan công quyền thực hiện trách nhiệm tiến hành tố tụng thì một vụ án hình sự sẽ có những người tham gia tố tụng nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại đâu? Rất mong nhận được giải đáp từ Quý Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Vũ Duy Phương (phuong***@yahoo.com)

Người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 4 và Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

Người tham gia tố tụng là cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này. Cụ thể, bao gồm:

1. Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

3. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

4. Người bị bắt.

5. Người bị tạm giữ.

6. Bị can.

7. Bị cáo.

8. Bị hại.

9. Nguyên đơn dân sự.

10. Bị đơn dân sự.

11. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

12. Người làm chứng.

13. Người chứng kiến.

14. Người giám định.

15. Người định giá tài sản.

16. Người phiên dịch, người dịch thuật.

17. Người bào chữa.

18. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

19. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố.

20. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.

Như bạn đã biết, trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự, từ khi khởi tố vụ án cho đến khi Toà án tuyên án, có nhiều người tham gia quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Bộ luật tố tụng hình sự quy định những người này vào hai nhóm: Người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Trong đó, người tiến hành tố tụng là những người thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng, thực hiện vai tròm, chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật. Còn người tham gia tố tụng, bạn lưu ý không phải bất kỳ vụ án hình sự nào cũng có mặt đầy đủ của những người được liệt kê trên đây với tư cách người tham gia tố tụng mà tùy thuộc vào tình tiết cụ thể của từng vụ án có sự xuất hiện của những chủ thể nào liên quan, đóng vai trò nhất định tạo nên các tình tiết vụ án hoặc thể hiện vai trò trong quá trình giải quyết vụ án thì mới có sự hiện diện của họ trong các giai đoạn diễn biến của vụ án.

Tương ứng với mỗi người tham gia tố tụng, pháp luật quy định cho họ những quyền và nghĩa vụ riêng. Trong đó, một số người tham gia tố tụng chỉ được hiện diện ở một thời điểm nhất định trong quá trình giải quyết vụ án. Chẳng hạn, người giám định, người định giá chỉ được tham gia tố tụng kể từ thời điểm họ được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu, hay người làm chứng tham gia tố tụng khi được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập. Hoặc người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.Việc xác định đúng tư cách tham gia tố tụng là rất quan trọng, vì nó liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ trong vụ án hình sự. Thực tiễn xét xử cho thấy nhiều trường hợp do xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng nên dẫn đến việc giải quyết vụ án kéo dài, phải xét xử nhiều lần, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử những vướng mắc trong việc xác định người tham gia tố tụng chỉ xảy ra trong một số trường hợp do quy định của Bộ luật tố tụng hình sự không rõ ràng và chưa có hướng dẫn chính thức của các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương hoặc do nhận thức không thống nhất của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Trên đây là nội dung tư vấn về người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết hơn về quyền và nghĩa vụ của mỗi người, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào