Trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn trong hoạt động điều tra hình sự
Trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn trong hoạt động điều tra hình sự được quy định tại Điều 44 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Cụ thể là:
1. Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền.
2. Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật, có liên quan cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền.
3. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật, có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền.
Công an xã, phường, thị trấn được tổ chức ở các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện nắm bắt tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi quản lý của mỉnh. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo thẩm quyền.
Công an xã, phường, thị trấn được tổ chức bao gồm Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên.
Do Công an xã, phường, thị trấn được tổ chức ở các đơn vị hành chính gần dân, sát dân nhất nên khi xảy ra tội phạm hoặc có dấu hiệu của tội phạm, đơn vị này là đơn vị được người dân trực tiếp thông báo đầu tiên. Khi đó, Cơ quan điều tra chưa kịp thời có mặt tiếp cận vụ việc, trong khi tội phạm đã thực hiện hoặc đang chuẩn bị thực hiện thì phải tiến hành ngay các biện pháp nghiệp vụ điều tra ban đầu. Do đó, nhằm kịp thời xử lý, ngăn chặn tội phạm, bắt giữ người phạm tội, không để người phạm tội lẩn trốn, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ pháp luật cho phép Công an xã, phường, thị trấn được tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu như tiếp nhận, lấy lời khai, kiểm tra, xác minh sự việc,..., đồng thời thực hiện thông báo và chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, Công an xã, phường, thị trấn chỉ được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giản đơn trong một phạm vi hẹp, với những tội phạm có liên quan đến lĩnh vực quản lý trong thời gian nhất định, sau đó phải chuyển giao toàn bộ hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trực tiếp giải quyết
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn trong hoạt động điều tra hình sự. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo thêm tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật