Ảnh căn cước can phạm là gì?
Ảnh căn cước can phạm là một thuật ngữ thường dùng trong tố tụng hình sự nhưng là thuật ngữ chuyên ngành mà các cơ quan điều tra thường dùng chứ không định nghĩa cụ thể trong Bộ luật hình sự 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) và các quy định liên quan.
Theo đó, khác với căn cước công dân là ảnh được nhìn theo tư thế nhìn thẳng để ghi nhận lại chân dung của công dân theo quy định của pháp luật, được chụp khi công dân đủ 14 tuổi và được dán vào chứng minh nhân dân và được lưu giữ cùng căn cước của người được cấp chứng minh nhân dân tại hồ sơ của cơ quan Công an nhân dân.
Trong khi đó, ảnh căn cước can phạm được chụp khi một người phạm một tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự 2015 đã bị khởi tố theo Điều 154 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) với tư cách là bị can. Ảnh này được dán vào quyết định khởi tố bị can, quyết định truy nã và lưu giữ cùng căn cước can phạm và cũng quản lý tại phòng hồ sơ nghiệp vụ của Công an nhân dân.
Ảnh căn cước can phạm cũng là một trong những thành phần của hồ sơ vụ án theo Khoản 2 Điều 131 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:
Hồ sơ vụ án gồm:
a) Lệnh, quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát;
b) Các biên bản tố tụng do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lập;
c) Các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án.
Trên đây là nội dung tư vấn của ban biên tập Thư Ký Luật về ảnh căn cước can phạm. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để hiểu rõ hơn nội dung này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật