Nhiệm vụ, quyền hạn Điều tra của lực lượng Cảnh sát biển
Nhiệm vụ, quyền hạn Điều tra của lực lượng Cảnh sát biển được quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Cụ thể là:
Các đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát biển khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại Chương XIII và các Điều 188, 189, 227, 235, 236, 237, 242, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 272, 273, 282, 284, 303, 304, 305, 309, 311, 346, 347 và 348 của Bộ luật hình sự xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do lực lượng Cảnh sát biển quản lý thì những người quy định tại Khoản 2 Điều này có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp Điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc Điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;
Lực lượng Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân, là lực lượng quân sự chuyên trách thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Là lực lượng chuyên trách trên biển nên Cảnh sát biển được pháp luật cho phép tiến hành một số hoạt động điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm xảy trên trên địa phạn mình quản lý.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, lực lượng Cảnh sát biển có nghĩa vụ phải kịp thời phát hiện, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm về buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; hủy hoại nguồn lợi thủy sản; tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt trái phép chất ma túy, tiền chất, dụng cụ sản xuất trí phép chất ma túy; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy; cản trở giao thông đường thủy; chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy; điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của Việt Nam; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ,chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, chất cháy, chất độc; vi phạm quy chế về khu vực biên giới, về xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép; tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Lực lượng cảnh sát biển được tiến hành hoạt động điều tra đối với các trường hợp ít nghiêm trọng. Đối với các trường hợp nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì thực hiện những thao tác, thủ tục sơ bộ ban đầu, sau đó phải chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nhiệm vụ, quyền hạn Điều tra của lực lượng Cảnh sát biển. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm thông tin tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật