Nhà thầu khi tính giá dự thầu có được đưa chi phí của dự toán vào giá dự thầu không?
Theo quy định của Nghị định 32/2015/NĐ-CP về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, chi phí dự phòng trong các trường hợp như sau :
1) Chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư
Chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư gồm :
- Chi phí dự phòng cho công việc phát sinh được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) của tổng các thành phần chi phí gồm : Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ; Chi phí xây dựng ; Chi phí thiết bị ; Chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn đầu tư xây dựng ; Chi phí khác.
- Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được xác định trên cơ sở độ dài thời gian thực hiện dự án, kế hoạch bố trí vốn và chỉ số giá xây dựng hàng năm phù hợp với loại công trình xây dựng có tính đến các khả năng biến động giá trong nước và quốc tế;
2) Chi phí dự phòng trong dự toán xây dựng công trình :
Chi phí dự phòng của công trình gồm chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian xây dựng công trình.
Chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng các chi phí (xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác theo quy định). Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính trên cơ sở độ dài thời gian xây dựng công trình, kế hoạch bố trí vốn và chỉ số giá xây dựng phù hợp với loại công trình xây dựng có tính đến các khả năng biến động giá trong nước và quốc tế.
3) Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu thi công xây dựng
Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu thi công xây dựng được xác định theo tỷ lệ % của các chi phí đã xác định trong dự toán gói thầu và thời gian thực hiện gói thầu nhưng không vượt mức tỷ lệ phần trăm (%) chi phí dự phòng của dự toán xây dựng công trình đã được phê duyệt.
4) Cách xác định các chi phí dự phòng :
- Dự phòng cho công việc phát sinh tính theo tỷ lệ % do Bộ Xây dựng quy định
- Dự phòng cho yếu tố trượt giá : Phụ thuộc vào độ dài thời gian thực hiện dự án (đối với tổng mức đầu tư) hoặc thời gian thực hiện gói thầu (đối với dự toán xây dựng công trình/gói thầu) trên cơ sở tính toán trượt giá theo chỉ số giá được công bố theo tháng, quý, năm của cơ quan có thẩm quyền (Sở Xây dựng địa phương).
5) Chi phí dự phòng được sử dụng như thế nào :
Đối với gói thầu : Chi phí dự phòng được tính toán như chi phí dự phòng trong dự toán xây dựng công trình được duyệt (công trình/hạng mục công trình).
Giá gói thầu thi công xây dựng: Bao gồm phần xây dựng, thiết bị và chi phí dự phòng của gói thầu.
Sử dụng chi phí dự phòng trong giá gói thầu để xử lý các công việc sau :
- Nhà thầu chào giá dự thầu có tính toán đến yếu tố trượt giá do vật liệu, nhân công, máy thi công trượt giá theo thời gian thi công và được phân bổ vào đơn giá dự thầu; không sử dụng nguyên chi phí dự phòng được duyệt (thường tỷ lệ %) để đưa vào giá dự thầu. Chủ đầu tư sử dụng chi phí dự phòng do yếu tố trượt giá để xem xét giá dự thầu.
- Nhà thầu và Chủ đầu tư phát hiện khối lượng tính thừa, thiếu theo thiết kế so với tiên lượng mời thầu, cần phải bổ sung khi thương thảo hợp đồng đối với hợp đồng trọn gói. Chủ đầu tư sử dụng chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh để xem xét khi thương thảo hợp đồng.
Tổng hợp các yếu tố trên, giá hợp đồng sau khi thương thảo có đảm bảo < giá gói thầu hay không. Nếu vượt phải báo cáo người quyết định đầu tư xem xét.
Đối với chi phí dự phòng trong dự toán xây dựng công trình: Chủ đầu tư được phép sử dụng phần chi phí dự phòng còn lại ngoài trường hợp đã tính bổ sung trong hợp đồng trọn gói cho các trường hợp phát sinh ngoài hợp đồng được phép theo quy định của Luật xây dựng và các Nghị định có liên quan.
Thư Viện Pháp Luật