Thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan thuế các cấp
Theo Khoản 1 Điều 2 Luật tố cáo 2011 có quy định về tố cáo như sau:
Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức
Thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan thuế các cấp được pháp luật quy định tại Khoản 2 Điều 72 Văn bản hợp nhất 14/VBHN-BTC năm 2017 hợp nhất Thông tư hướng dẫn Luật quản lý thuế; Luật quản lý thuế sửa đổi và Nghị định 83/2013/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:
a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan thuế nào thì cơ quan thuế đó có trách nhiệm giải quyết;
b) Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người thuộc cơ quan thuế nào thì người đứng đầu cơ quan thuế đó có trách nhiệm giải quyết;
c) Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu cơ quan thuế nào thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan thuế đó có trách nhiệm giải quyết.
Như vậy, thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan thuế các cấp được pháp luật quy định là người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan thuế nào thì do người đứng đầu cơ quan thuế đó giải quyết, còn nếu tố cáo người đứng đầu cơ quan thuế thì do thủ trưởng cơ quan thuế cấp trên trực tiếp quản lý giải quyết.
Trên đây là nội dung câu trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan thuế các cấp được pháp luật quy định. Để hiểu rõ và biết thêm chi tiết về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Văn bản hợp nhất 14/VBHN-BTC năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật