Hệ thống cơ quan Điều tra hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Hệ thống cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được quy định tại Điều 7 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Cụ thể bao gồm:
1. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Cơ quan điều tra hình sự ở nước ta được tổ chức trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Là cơ sở hình thành hệ thống cơ quan điều tra tại Việt Nam bao gồm: cơ quan Điều tra của Công an nhân dân, cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân, cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Mỗi cơ quan được quy định thẩm quyền nhất định trong hoạt động điều tra trong phạm vi từng loại tội phạm, từng loại đối tượng khác nhau và theo phạm vi quản lý. Mặt khác, tại mỗi cơ quan điều tra được tổ chức theo từng cấp điều tra nhất định để tránh sự chồng chéo thẩm quyền và tạo sự linh hoạt trong công tác điều tra vụ án hình sự. Ngoài ra, còn có một số cơ quan, đơn vị được pháp luật giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong phạm vi quyền hạn được giao và trên phạm vi mà mình quản lý.
Trong đó, Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được tổ chức trong Viện kiểm sát nhân dân tối cao đóng vai trò quan trọng trong quá giải quyết vụ án hình sự. Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ được thực hiện điều tra các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Viện kiểm sát tham gia vào toàn bộ quá trình tố tụng hình sự, từ giai đoạn phát hiện tội phạm, khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, điều tra vụ án hình sự, đến khi kết thúc quá trình tố tụng và chấm dứt khi thi hành xong bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Viện kiểm sát các cấp có phạm vi kiểm sát rất rộng, bao gồm công tác kiểm sát việc giải quyết các loại án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh tế và những việc khác theo quy định của pháp luật. Thông qua các công tác này, Viện kiểm sát phát hiện những thiếu sót, vi phạm của các cơ quan tư pháp, cán bộ tư pháp để yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm khắc phục; nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì chuyển cho Cơ quan điều tra VKSNDTC để khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật- Chính vì vậy, Viện kiểm sát có điều kiện thuận lợi để phát hiện các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp. Do đó, tạo điều kiện cho cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố theo thẩm quyền và thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hệ thống cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được tổ chức thành cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối vao và cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương. Trong đó:
- Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân;
- Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự;
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hệ thống cơ quan Điều tra hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm quy định tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật