Trình tự tiến hành đình công theo quy định hiện hành
Đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời (sau đây gọi chung là Ban chấp hành công đoàn cơ sở) tổ chức và lãnh đạo. Đối với doanh nghiệp chưa có Ban chấp hành công đoàn cơ sở thì việc tổ chức và lãnh đạo đình công phải do đại diện được tập thể lao động cử và việc cử này đã được thông báo với công đoàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc tương đương (sau đây gọi chung là đại diện tập thể lao động).
Theo Điều 211 Bộ luật lao động 2012 thì đình công phải được tiến hành theo 3 bước:
- Lấy ý kiến tập thể lao động.
- Ra quyết định đình công.
- Tiến hành đình công.
Cụ thể, các bước này được tiến hành như sau:
Bước 1. Lấy ý kiến tập thể lao động :
Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động lấy ý kiến để đình công, quyết định thời gian và hình thức tổ chức lấy ý kiến để đình công và thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 1 ngày. Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động ra quyết định đình công bằng văn bản và lập bản yêu cầu (yêu cầu đáp ứng hay giải quyết như thế nào) khi có ý kiến đồng ý của trên 50% tổng số người lao động (đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có dưới 300 người lao động) và trên 75% số người được lấy ý kiến (đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có từ 300 người lao động trở lên).
Việc tổ chức lấy ý kiến có thể thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu hoặc lấy chữ ký. Nội dung lấy ý kiến để đình công bao gồm: những vấn đề tranh chấp lao động tập thể đã được cơ quan, tổ chức giải quyết nhưng tập thể lao động không đồng ý, thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công, việc đồng ý hay không đồng ý đình công. Đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có dưới 300 người lao động thì lấy ý kiến trực tiếp của người lao động.
Đối với doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có từ 300 người lao động trở lên thì lấy ý kiến của thành viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở, Tổ trưởng tổ công đoàn và Tổ trưởng tổ sản xuất, trường hợp không có công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của Tổ trưởng, Tổ phó tổ sản xuất.
Quyết định đình công phải nêu rõ thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công, có chữ ký của ðại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động, trường hợp là đại diện của Ban chấp hành công đoàn cơ sở thì phải đóng dấu của tổ chức công đoàn.
Bước 2.Lập bản yêu cầu:
Song song với việc ra quyết định đình công, Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động phải lập bản yêu cầu và chậm nhất là 5 ngày trước ngày bắt đầu đình công phải cử nhiều nhất là 3 đại diện để trao quyết định đình công và bản yêu cầu cho người sử dụng lao động, đồng thời gửi 1 bản cho cơ quan lao động cấp tỉnh và một bản cho Liên đoàn lao động cấp tỉnh.
Bản yêu cầu phải có những nội dung chủ yếu sau đây: những vấn đề tranh chấp lao động tập thể đã được cơ quan, tổ chức giải quyết nhưng tập thể lao động không đồng ý, kết quả lấy ý kiến đồng ý đình công, thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công, địa chỉ người cần liên hệ để giải quyết.
Đến thời điểm bắt đầu đình công đã được báo trước trong bản yêu cầu, nếu người sử dụng lao động không chấp nhận giải quyết yêu cầu thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.
Bước 3. Ra quyết định đình công.
Bước 4. Tiến hành đình công.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trình tự tiến hành đình công theo quy định hiện hành. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật lao động 2012 để hiểu rõ nội dung này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật