Thỏa thuận bằng lời nói có được coi là giao kết hợp đồng lao động không?

Thỏa thuận bằng lời nói có được coi là giao kết hợp đồng lao động không? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Minh Quân, hiện đang sinh sống tại Đồng Nai, có vấn đề thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp. Tôi được thuê làm việc trong thời hạn 2 tháng, ông chủ chỉ trao đổi với tôi về lương và quy định về an toàn lao động. Khi tôi yêu cầu cần có văn bản ký kết giữa hai bên thì ông chủ nói rằng: “Chú làm việc tạm thời thì không cần hợp đồng làm gì cho phức tạp”. Tôi muốn hỏi theo quy định của pháp luật thì thế nào là hợp đồng lao động? Mong Ban biên tập Thư Ký Luật tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! (minhquanttk***@gmail.com)

Trường hợp của bạn, do chỉ làm công việc phát sinh trong 2 tháng nên ông chủ chỉ giao kết hợp đồng bằng lời nói là phù hợp vì những lý do sau:

Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật lao động 2012 thì hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công (lương, thưởng), điều kiện lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, nghỉ phép, nghỉ ốm và quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động...

Như vậy, hợp đồng trước hết chính là sự thỏa thuận giữa hai bên. Xét về hình thức của hợp đồng, theo quy định tại Điều 16 Bộ luật lao động 2012 thì hợp đồng lao động có hai hình thức: bằng văn bản và giao kết bằng lời nói. Tuy nhiên, việc giao kết bằng lời nói chỉ áp dụng trong trường hợp làm công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng.

Đối chiếu với quy định hiện hành thì trường hợp của bạn được coi là đã giao kết hợp đồng lao động hợp pháp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký luật về việc thỏa thuận bằng lời nói khi giao kết hợp đồng lao động. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật lao động 2012 để hiểu rõ hơn nội dung này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hợp đồng lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào