Những loại vũ khí nào bị cấm đưa lên máy bay?
a) Súng ngắn, súng trường, tiểu liên, súng bắn đạn ghém, súng săn và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự;
b) Các bộ phận cấu tạo của súng, gồm cả các loại ống ngắm;
c) Súng hơi các loại như súng ngắn, súng trường và súng bắn đạn bi, đạn sơn, đạn cao su…;
d) Súng bắn pháo sáng và súng hiệu lệnh;
đ) Súng tự chế, súng phóng lao;
e) Súng cao su;
g) Súng la-de hoặc thiết bị phát tia la-de;
Trên thực tế, do đặc thù của phương tiện tàu bay và an toàn trong hoạt động khai thác bay nói riêng, an ninh quốc gia nói chung cũng như căn cứ vào tính chất nguy hiểm của các loại vũ khí có khả năng đe dọa tính mạng, sức khỏe và tài sản của con người, việc đưa ra danh mục các loại vũ khí mà hành khách không được mang lên máy bay là hoàn toàn cần thiết và hợp lý. Thực hiện quy định này, tại các cảng hàng không, sân bay, các hãng hàng không đều thực hiện quy định làm thủ tục soi chiếu, kiểm tra, giám sát trong giai đoạn check in hàng hóa, hành lý xách tay cũng như ký gửi của hành khách rất nghiêm ngặt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự cố, các hành vi can thiệp trái phép trong quá trình hoạt động của tàu bay.
Tuy nhiên, pháp luật cũng đồng thời quy định ngoại lệ cho phép các cán bộ, nhân viên an ninh sau đây được phép mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị kỹ thuật bảo vệ theo người lên tàu bay trên các chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam:
- Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ có nhiệm vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ theo quy định của pháp luật về cảnh vệ; nhân viên an ninh trên không thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam theo Quy chế do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;
- Nhân viên an ninh trên không mang theo vũ khí trên các chuyến bay của hãng hàng không nước ngoài theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Cục Hàng không Việt Nam và nhà chức trách hàng không của quốc gia liên quan;
- Nhân viên bảo vệ pháp luật trên các chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài sau khi được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an;
- Cán bộ áp giải được phép mang theo công cụ hỗ trợ thích hợp lên tàu bay khi thực hiện nhiệm vụ áp giải bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị trục xuất, dẫn độ, người bị bắt theo quyết định truy nã, người bị từ chối nhập cảnh.
Như vậy, về mặt nguyên tắc, ngoại lệ này chỉ áp dụng với những đối tượng chủ thể nhất định là những người đang thi hành công vụ trong những trường hợp được quy định cụ thể mà tính chất của những nhiệm vụ này đòi hỏi phải mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ để đảm bảo an toàn.Theo đó, khi mang vũ khí, công cụ hỗ trợ lên tàu bay, những chủ thể này phải xuất trình giấy phép sử dụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho đại diện an ninh hàng không dân dụng khi làm thủ tục hàng không. Đồng thời người chỉ huy tàu bay phải được thông báo về tên, chỗ ngồi, lý do hành khách được phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ trên chuyến bay; những hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ trên cùng chuyến bay phải được thông báo vị trí ngồi của nhau. Tiếp viên hàng không không cung cấp các loại đồ uống có chất kích thích hoặc dung dịch có cồn cho những người mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ trên tàu bay.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về các loại vũ khí bị cấm đưa lên máy bay. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 633/QĐ-CHK năm 2016.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật