Từ ngày 1/7/2017 Berberin có nằm trong Danh mục thuốc không kê đơn không?
Danh mục thuốc không kê đơn được ban hành kèm theo Thông tư 07/2017/TT-BYT Danh mục thuốc không kê đơn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 01/7/2017, theo đó:
Berberin thuộc danh mục thuốc không kê đơn.
Ngoài ra liên quan tới vấn đề này Ban biên tập Thư Ký Luật gửi đến bạn những thông tin sau:
Berberin có thể hiệu quả đối với các trường hợp:
Đái tháo đường: Berberin làm giảm đường huyết ở những người bị bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, một số nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng uống 500 mg berberin 2 đến 3 lần mỗi ngày, trong 3 tháng có thể kiểm soát đường huyết hiệu quả như metformin hoặc rosiglitazone.
Nồng độ cholesterol cao: Berberine có thể giúp hạ cholesterol ở những người có nồng độ cholesterol cao. Dùng 500mg hai lần mỗi ngày trong 3 tháng làm giảm cholesterol, LDL cholesterol, và triglyceride ở những người có nồng độ cholesterol cao.
Tác dụng phụ khi dùng Berberin mà bạn nên lưu ý:
Berberin AN TOÀN cho hầu hết người lớn sử dụng ngắn hạn khi dùng bằng đường uống hoặc bôi lên da.
Liều cao Berberin trên 500mg (tương ứng với 8-100 g rễ cây vàng đắng khô) có thể gây ra đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, căng thẳng, trầm cảm, khó thở, nhịp tim chậm, suy tim, hạ huyết áp, co giật, tê liệt, co thắt và dẫn đến tử vong.
Nếu thấy có những triệu chứng bất thường sau khi dùng thuốc bạn nên ngưng sử dụng thuốc và đến ngay bệnh viện để kiểm tra tránh để những việc đáng tiếc xảy ra.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về Danh mục thuốc không kê đơn. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 07/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật