Nghĩa vụ thông báo khi phát hiện được di sản văn hoá dưới nước của tổ chức cá nhân

Nghĩa vụ thông báo khi phát hiện được di sản văn hoá dưới nước của tổ chức cá nhân được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, Tôi là Đại An. Gần đây khi đang đánh bắt cá trên biển gần bờ, tôi và các thành viên trên tàu tình cờ phát hiện một con tàu đắm chứa rất nhiều tiền xu cổ. Trước đây, có nhiều người cũng gặp trường hợp như thế này và họ đều báo cho nhà nước. Lần này, nhiều anh em trong đoàn không muốn thông báo mà muốn để tự mình trục vớt đem đi bán sẽ kiếm được nhiều tiền. Cho tôi hỏi, tôi có chúng tôi có nghĩa vụ thông báo cho nhà nước biết về thông tin này hay không? Nếu như chúng tôi không thông báo mà trục vớt rồi đem đi bán thì có vi phạm pháp luật không? Tôi có thể tìm hiểu quy định tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Đại An (016398*****)

Nghĩa vụ thông báo khi phát hiện được di sản văn hoá dưới nước của tổ chức cá nhân được quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 86/2005/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước. Cụ thể là:

Tổ chức, cá nhân khi phát hiện được di sản văn hoá dưới nước có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng khu vực có di sản văn hóa dưới nước và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá thông tin hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải nơi gần nhất.

Trong trường hợp bạn phát hiện tàu đắm ở vùng biển ngoài khơi thuộc lãnh thổ Viêt Nam, tổ chức, cá nhân khi phát hiện được di sản văn hoá dưới nước có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng khu vực có di sản văn hóa dưới nước và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá thông tin hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải nơi gần nhất để kịp thời tiếp nhận, xác nhận thông tin báo cáo ngay cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về văn hoá thông tin để tổ chức việc bảo vệ di sản văn hoá dưới nước đó.

Trong đó, di sản văn hoá dưới nước là di sản văn hoá vật thể đang ở dưới nước có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học bao gồm: các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các di tích, công trình xây dựng, địa điểm; di tích cổ nhân, cổ sinh vật có liên quan đến nguồn gốc của loài người, đã được con người sử dụng cùng với hiện trường tự nhiên và khảo cổ học xung quanh chúng. Di sản văn hóa dưới nước có giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần và thẩm mỹ rất lớn vì vậy cần phải được bảo vệ, quản lý, trục vớt theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện nghĩa vụ khai báo khi phát hiện theo quy định pháp luật mà thực hiện trục vớt có thể sẽ làm sai lệch hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa dưới nước là trái quy định của pháp luật. Có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không tự giác khai báo, cố tình chiếm đoạt di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được phát hiện và bị tịch thu tang vật vi phạm theo quy định tại Điều 25 Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nghĩa vụ thông báo khi phát hiện được di sản văn hoá dưới nước của tổ chức cá nhân. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm quy định tại Nghị định 86/2005/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào