Chính sách của Nhà nước đối với việc quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước

Chính sách của Nhà nước đối với việc quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, Tôi là Phạm Cẩm Tú, hiện đang là sinh viên năm 2 đại học tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước để phục vụ cho đề tại nghiên cứu và học tập. Cho tôi hỏi, nhà nước có các chính sách gì để quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước? Tôi có thể tìm hiểu quy định trên tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Phạm Cẩm Tú (camtu*****@gmail.com)

Chính sách của Nhà nước đối với việc quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước được quy định tại Điều 6 Nghị định 86/2005/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước. Cụ thể là:

1. Động viên, khích lệ kịp thời việc nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dưới nước.

2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia nghiên cứu, điều tra, thăm dò, khai quật và bảo quản di sản văn hoá dưới nước theo quy định của pháp luật.

3. Xây dựng và phát triển ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam; xây dựng bảo tàng giới thiệu di sản văn hóa dưới nước.

4. Chú trọng đào tạo, bồi dỡng đội ngũ cán bộ, công chức có nghiệp vụ chuyên môn về di sản văn hoá dưới nước.

5. Đầu tư hoặc hỗ trợ kinh phí cho việc điều tra khảo sát, nghiên cứu, thăm dò, khai quật, bảo quản, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dưới nước.

Di sản văn hoá dưới nước là di sản văn hoá vật thể đang ở dưới nước có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học bao gồm: các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các di tích, công trình xây dựng, địa điểm; di tích cổ nhân, cổ sinh vật có liên quan đến nguồn gốc của loài người, đã được con người sử dụng cùng với hiện trường tự nhiên và khảo cổ học xung quanh chúng. Di sản văn hóa dưới nước nói riêng và di sản văn hóa nói chung là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hình thành và phát triển của đất nước. Ngoài giá trị lịch sử và thẩm mỹ, nó còn mang một giá trị kinh tế vô cùng to lớn. Các cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia có niên đại càng lâu thì giá trị càng lớn. Do đó, số cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia sau khi được khai quật bị mất trộm rất nhiều. Số cuộc thăm dò, khai quật trái phép ngày càng nhiều và có quy mô ngày càng lớn. Và đặc biệt nghiêm trọng hơn là số cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia bị bán ra nước ngoài rất khó có khả năng thu hồi lại được. Ngoài ra, số cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia đã được khai quật đưa lên bờ, do điều kiện thay đổi nên bị hư hỏng rất nhiều...

Do đó, đòi hỏi nhà nước phải có chính sách quản lý, bảo tồn và bảo vệ các di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa dưới nước nói riêng để phục vụ công tác nghiên cứu, học tập,...

Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân, trong nước và nước ngoài tham gia nghiên cứu, điều tra, thăm dò, khai quật và bảo quản di sản văn hóa dưới nước theo quy định của pháp luật và nghiêm cấm mọi hành vi thăm dò, khai quật, mua bán, vận chuyển trái phép, tự tìm kiếm, trục vớt làm sai lệch hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản dưới nước thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về chính sách của Nhà nước đối với việc quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm quy định tại Nghị định 86/2005/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào