Di sản văn hóa dưới nước là gì?

Di sản văn hóa dưới nước được pháp luật quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Trần Thị Hồng Thắm. Tôi là một người rất có hứng thú với các loại cổ vật và có sưu tâm nhiều loại cổ vật khác nhau trong nước, nhưng chỉ là mua qua tay các lái buôn thôi. Gần đây, tôi có nghe nói về di sản văn hóa dưới nước nhưng không hiểu nó được định nghĩa như thế nào và các loại cổ vật nào thì được xem là di sản văn hóa dưới nước. Cho tôi hỏi, di sản văn hóa dưới nước được pháp luật định nghĩa như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu quy định tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Trần Thị Hồng Thắm (hongtham*****@gmail.com)

Di sản văn hóa dưới nước được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 86/2005/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước. Cụ thể là:

Di sản văn hoá dưới nước là di sản văn hoá vật thể đang ở dưới nước có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học bao gồm: các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các di tích, công trình xây dựng, địa điểm; di tích cổ nhân, cổ sinh vật có liên quan đến nguồn gốc của loài người, đã được con người sử dụng cùng với hiện trường tự nhiên và khảo cổ học xung quanh chúng.

Trong những năm gần đây, các ngư dân Việt Nam trong lúc đánh bắt thủy hải sản thường xuyên bắt gặp các khu vực có nhiều các di cật, cổ vật, các công trình hay các tàu đắm mang nhiều cổ vật trên vùng biển gần bờ cũng như trên các con sông ở Việt Nam. Điển hình như việc phát hiện nhiều tàu cổ cùng gốm sứ, các di vật, hiện vật bị đắm tại các khu vực như Bình Châu, khu vực cảng Sa Kỳ, khu vực Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi năm 2014, cổ vật trong xác tàu đắm tại khu vực cửa biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Do số lượng cổ vật dưới nước là rất lớn nên việc trục vớt trong thời gian dài, khi đưa lên cổ vật lên bờ thì điều kiện môi trường bị thay đổi nên số cổ vật bị hư hỏng cũng rất lớn. Mặt khác, xét về mặt lịch sử và thời gian của các cổ vật thường trên 100 năm tuổi nên cổ vật có giá trị vô cùng lớn, dó đó cổ vật được khai vật thường xuyên bị mất trộm để tuồn ra chợ đen cho các nhà sưu tầm trong nước, số khác được bán ra nước ngoài, số còn lại dưới nước luôn đối mặt với nguy cơ săn tìm, trộm cắp.

Chính vì thế, đòi hỏi cần phải có các biện pháp bảo tồn, bảo quản theo một quy trình an toàn nhất định để đảm bảo cổ vật không bị hư hỏng, đánh cắp, trục vớt trái phép và đặc biệt là bị bán ra nước ngoài.

Ngoài ra, các đường ống, cống ngầm, cáp đặt, các thiết bị và công trình ngầm khác đang được sử dụng phục vụ cho đời sống của con người đặt ở dưới nước không được coi là di sản văn hoá dưới nước.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về di sản văn hóa dưới nước. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm quy định tại Nghị định 86/2005/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Di sản văn hóa

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào