Tịch thu vật tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm được quy định như thế nào trong Bộ luật hình sự 2015?
Tịch thu vật, tiền liên quan đến tội phạm được quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) như sau:
1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:
a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;
c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.
2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.
Như vậy, tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là tước đoạt những thứ này ở người phạm tội hoặc người đang chiếm giữ bất hợp pháp sung quỹ nhà nước hoặc tiêu hủy. Đây là một biện pháp tư pháp được áp dụng nhằm hỗ trợ cho hình phạt để bảo đảm đạt được mục đích của hình phạt, thể hiện thái độ kiên quyết trong chính sách hình sự, đó là việc phải giải quyết những vấn đề liên quan đến tội phạm một cách triệt để và toàn diện bao gồm cả việc xử lý vật, tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tịch thu vật liên quan đến tội phạm. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Bộ Luật hình sự 2015.
Trân trọng!