Lái ô tô quá tốc độ gây tai nạn bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người điều khiển ô tô trong trường hợp này có thể có các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Một là, hành vi điều khiển phương tiện trong hầm ngược chiều.
Hai là, hành vi điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép.
Ba là, hành vi điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá giới hạn cho phép.
Như vậy, căn cứ theo Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì người điều khiển ô tô trong trường hợp này có thể bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện trong hầm ngược chiều (Điểm a Khoản 4 Điều 5).
- Phạt tiền từ 5.000.000 đến 8.000.000 đối với hành vi điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép (Khoản 6,7,8 Điều 5)
- Phạt tiền từ 2.000.000 đến 18.000.000 đối với hành vi điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá giới hạn cho phép (Khoản 6 đến Khoản 9 Điều 5).
Về xử phạt bổ sung: Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn.
- Về trách nhiệm dân sự: Xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ nên chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Điều 601 Bộ luật dân sự 2015).
- Về trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi 2009) thì Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Nếu hành vi của người này đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải chịu TNHS theo quy định tại Điều này (Nếu như đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ không bị xử lý hành chính).
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hành vi lái ô tô quá tốc độ gây tai nạn. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP và các văn bản có liên quan.
Trân trọng!