Từ năm 2017, danh sách xã được hưởng chế độ 135 thay đổi như thế nào?
Việc thay đổi thông tin các xã thuộc danh sách xã được hưởng chế độ 135 được quy định tại Điều 1 Quyết định 900/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Theo đó, những nội dung nổi bật được đề cập đến bao gồm:
So với Quyết định 204/QĐ-TTg năm 2016, cả nước chỉ còn 2.139 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 46 tỉnh thuộc diện đầu tư phát triển theoChương trình 135 (Giảm 136 xã và 02 tỉnh/thành phố). Trong đó:
- Ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư: 2.103 xã của 44 tỉnh.
- Ngân sách của địa phương đầu tư: 36 xã của tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa (Không còn hỗ trợ Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội như Quyết định 204).
- Tỉnh có nhiều xã nhất thuộc Chương trình 135 là Cao Bằng (156 xã) và ít nhất là Vĩnh Long (2 xã).
Đối chiếu với danh sách xã thuộc diện đầu tư chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định 900/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính Phủ thì trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ có các xã thuộc 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang thuộc diện được đầu tư phát triển theo Chương trình này. Vậy, thông tin về xã mà bạn đang sinh sống - xã Tân Hương thuộc huyện Đức Thọ không được tiếp tục áp dụng các chính sách ưu đãi trong nội dung của Chương trình 135 tại Quyết định mới ban hành là hoàn toàn chính xác.
Để bạn hiểu rõ hơn nội dung này, Ban biên tập xin cung cấp thêm cho bạn một số thông tin như sau:
Chương trình 135 - chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (hay đọc là: "chương trình một-ba-năm"), là một trong các chương trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam do Nhà nước Việt Nam triển khai từ năm 1998. Chương trình được biết đến rộng rãi dưới tên gọi Chương trình 135 do Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt thực hiện chương trình này có số hiệu văn bản là 135/1998/QĐ-TTg.
Theo đó, mục tiêu ban đầu của Chương trình 135 là:
- Phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho các hộ dân tộc thiểu số;
- Phát triển cơ sở hạ tầng;
- Phát triển các dịch vụ công cộng địa phương thiết yếu như điện, trường học, trạm y tế, nước sạch
- Nâng cao đời sống văn hóa.
Trong các giai đoạn sau, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế tại các xã trên địa bàn cả nước mà mục tiêu của chương trình sẽ được xác định, thay đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, phạm vi danh sách các xã thuộc các địa phương được hưởng chế độ đầu tư phát triển theo Chương trình 135 cũng được phê duyệt thay đổi theo từng giai đoạn.
Cho đến thời điểm hiện nay, sau gần 20 năm đi vào thực hiện, Chương trình này đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại nhiều xã, địa phương trên cả nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giải quyết được nhiều vấn đề xã hội phát sinh thông qua các hoạt động hỗ trợ các dịch vụ, nâng cao chất lượng giáo dục, đời sống dân cư hợp vệ sinh, giảm thiểu tác hại môi trường đến sức khỏe người dân, nâng cao năng lực cộng đồng,...
Trong điều kiện số lượng xã, địa phương thuộc diện đói nghèo, đặc biệt khó khăn trên cả nước vẫn còn là một con số không nhỏ như hiện nay thì việc ban hành và thực hiện trên thực tế một Chương trình ý nghĩa như 135 cần được sự chung tay đóng góp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức không chỉ trong phạm vi ngân sách nhà nước hướng tới mục tiêu ủng hộ cộng đồng, phát triển kinh tế, xã hội chung của đất nước.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thắc mắc của bạn liên quan đến danh sách các xã thuộc Chương trình 135 được phê duyệt theo quyết định mới. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 900/QĐ-TTg năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật