Bồi thường hành lý bị cháy, rò rỉ hoặc đổ vỡ trên phương tiện vận tải hành khách trên đường thủy nội địa vì lý do bất khả kháng

Hành lý bị cháy, rò rỉ hoặc đổ vỡ trên phương tiện vận tải hành khách trên đường thủy nội địa vì lý do bất khả kháng được bồi thường như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Nguyễn Phương Linh. Vừa qua, do nhu cầu cá nhân tôi có mua vé đi tàu từ cầu Ba Lòng về Ngã ba Gia Độ trên sông Thạch Hãn. Khi đó tôi có ký gửi hành lý cho đơn vị kinh doanh vận tải. Trong quá trình di chuyển, đơn vị kinh doanh vận tải thông báo cho tôi là vì lý do bất khả kháng nên để đảm bảo an toàn phải dỡ bớt hành lý ra khỏi phương tiện, trong hành lý bị dỡ xuống có hành lý của tôi. Hành lý của tôi là hành lý dỡ hư hỏng phải bảo quản. Tôi đã yêu cầu họ bồi thường chi phí bảo quản cho tôi. Nhưng đơn vị kinh doanh chỉ trả lời với tôi là theo pháp luật thì tôi phải tự bảo quản hành lý và chịu mọi chi phí, họ không có trách nhiệm. Cho tôi hỏi, trong trường hợp này tôi có được bồi thường chi phí bảo quản hay không? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin Cảm ơn! Nam Anh (namanh*****@gmail.com)

Bồi thường hành lý bị cháy, rò rỉ hoặc đổ vỡ trên phương tiện vận tải hành khách trên đường thủy nội địa vì lý do bất khả kháng được quy định tại Khoản 2 Điều 17 Thông tư 80/2014/TT-BGTVT về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa. Cụ thể là:

Trường hợp bất khả kháng, nếu không đảm bảo an toàn, người kinh doanh vận tải có quyền dỡ một phần hoặc toàn bộ hành lý ra khỏi phương tiện; người có hành lý phải tự bảo quản; mọi chi phí và tổn thất thuộc bên nào thì bên đó tự chịu trách nhiệm.

Căn cứ quy định mà Ban biên tập Thư Ký Luật đã trích dẫn trên đây thì đơn vị kinh doanh vận tải hành khách nội địa trong trường hợp bất khả kháng mà buộc phải dỡ hành lý của hành khách ký gửi khỏi phương tiện thì không có nghĩa vụ đối với phần chi phí bảo quản hành lý của hành khách. Mọi chi phí và thiệt hại phát sinh của ai thì người đó chịu trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật tại Đoạn 2 Khoản 1 Điều 156 Bộ Luật Dân sự 2015 thì sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Sự kiện bất khả kháng ở đây có thể là các tình huống bất thường xảy ra ngoài tầm kiểm soát như chiến tranh, đình công, nổi loạn, tội phạm, thiên tai (như lũ lụt, động đất, phun trào núi lửa), địch họa,....

Đối với trường hợp mà bạn cung cấp cho Ban biên tập Thư Ký Luật thì nếu bạn không chấp nhận phương án giải quyết của bên đơn vị kinh doanh vận tải, hai bên không thỏa thuận được với nhau, thì bạn có thể có quyền yêu cầu Trọng tài giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về bồi thường hành lý bị cháy, rò rỉ hoặc đổ vỡ trên phương tiện vận tải hành khách trên đường thủy nội địa vì lý do bất khả kháng. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo quy định tại Thông tư 80/2014/TT-BGTVT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào