Chế độ báo cáo thực hiện công tác bảo trì công trình đường bộ pháp luật quy định như thế nào?

Chế độ báo cáo thực hiện công tác bảo trì công trình đường bộ được pháp luật quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là một nhân viên đang làm việc trong một cơ quan nhà nước, tôi có một thắc mắc muốn được hỏi Ban biên tập như sau, tôi được biết hàng năm sẽ tổ chức các lần bảo trì công trình đường bộ, hoặc được bảo trì đột xuất, vậy anh chị cho tôi hỏi chế độ báo cáo công tác bảo trì công trình đường bộ thuộc về cơ quan nào? Tôi có thể tham khảo vấn đề này tại văn bản nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ các bạn, xin chân thành cảm ơn! Phương Băc (phuongbac***@gmail.com)

Với câu hỏi của bạn Ban biên tập Thư Ký Luật xin trả lời như sau: Về trách nhiệm báo cáo công tác bảo trì công trình đường bộ, đối với hệ thống đường trung ương do Bộ Giao thông vận tải quản lý thuộc về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ và Sở Giao thông vận tải, nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình đường bộ, Doanh nghiệp BOT quản lý và khai thác công trình, doanh nghiệp dự án khác. Đối với hệ thống đường địa phương trách nhiệm báo cáo thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có công trình đường bộ bảo trì.

Việc báo báo cáo công tác bảo trì đường bộ được báo cáo định kỳ theo quy định, bên cạnh đó còn có trách nhiệm báo cáo đột xuất khi có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến công trình đường bộ hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Với các cơ quan, tổ chức khác nhau thì việc báo cáo công tác bảo trì được pháp luật quy định cũng khác nhau.

Về chế độ báo cáo thực hiện công tác bảo trì công trình đường bộ được pháp luật quy định tại Điều 26 Thông tư 52/2013/TT-BGTVT quy định về quản lý và bảo trì công trình đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau:

1. Đối với hệ thống đường trung ương do Bộ Giao thông vận tải quản lý, việc báo cáo thực hiện như sau:

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ định kỳ hàng quý trước ngày 22 của tháng cuối quý, hàng năm trước ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo;

b) Cục Quản lý đường bộ và Sở Giao thông vận tải nhận ủy thác quản lý quốc lộ báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ đối với các tuyến đường trong phạm vi quản lý của của mình định kỳ hàng quý trước ngày 15 của tháng cuối quý và hàng năm trước ngày 08 tháng 01 của năm tiếp theo;

c) Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng và khai thác công trình báo cáo Cục Quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông vận tải nhận ủy thác quản lý quốc lộ kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ định kỳ hàng quý trước ngày 10 của tháng cuối quý và hàng năm trước ngày 31 tháng 12;

d) Doanh nghiệp BOT, doanh nghiệp dự án khác (đối với công trình đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng dự án), tổ chức được Nhà nước chuyển nhượng hoặc cho thuê quản lý, khai thác đường bộ, doanh nghiệp được Nhà nước cho đầu tư xây dựng và tổ chức quản lý, khai thác công trình đường bộ báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ định kỳ hàng quý trước ngày 15 của tháng cuối quý và hàng năm trước ngày 08 tháng 01 của năm tiếp theo.

2. Đối với hệ thống đường địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nội dung và trách nhiệm báo cáo của các cơ quan quản lý đường bộ ở địa phương.

3. Chủ sở hữu công trình đường bộ chuyên dùng báo cáo Sở Giao thông vận tải định kỳ hàng năm về tình hình quản lý, bảo trì đường chuyên dùng.

Sở Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tình hình quản lý, bảo trì hệ thống đường địa phương, đường chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý định kỳ hàng năm trước ngày 08 tháng 01 của năm tiếp theo.

4. Ngoài báo cáo định kỳ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan, đơn vị quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này có trách nhiệm báo cáo đột xuất khi có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến công trình đường bộ hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

5. Nội dung báo cáo phải nêu đầy đủ các thông tin sau: tên công trình, hạng mục công trình thực hiện; khối lượng và kinh phí thực hiện; thời gian hoàn thành; những điều chỉnh, phát sinh so với kế hoạch được duyệt; đánh giá kết quả thực hiện (theo kế hoạch được duyệt); đề xuất và kiến nghị trong quá trình thực hiện công tác bảo trì công trình đường bộ (theo Biểu mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục III của Thông tư này).

Trên đây là nội dung câu trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về chế độ báo cáo thực hiện công tác bảo trì công trình đường bộ. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tham khảo thêm tại Thông tư 52/2013/TT-BGTVT.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo trì công trình xây dựng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào