Phương thức bồi thường do phương tiện vận tải hành khách đường thủy nội địa không thể tiếp tục hành trình vì lý do bất khả kháng

Phương thức bồi thường do phương tiện vận tải hành khách trên đường thủy nội địa không thể tiếp tục hành trình vì lý do bất khả kháng được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Thế Lâm, là nhân viên văn phòng. Vừa rồi, do nhu cầu công việc tôi có mua vé tàu đi từ Ngã ba Cửa Rào về Ngã ba Núi Thành, Quảng Nam (khoảng 40 km). Trong lúc đi được khoảng 10 km thì thuyền trưởng thông báo động cơ của tàu bị cháy không thể tiếp tục hành trình và phải quay về Ngã ba Cửa Rào gấp. Khi về đến nơi, chủ tàu không sắp xếp cho chúng tôi đi phương tiện khác mà trả lại cho chúng tôi 3/4 giá vé và giữ lại 1/4 giá vé. Chúng tôi yêu cầu hoàn lại 100% tiền vé thì họ trả lời do trường hợp bất khả kháng nên họ chỉ trả lại cho chúng tôi số tiền vế đúng với quãng đường chưa đi. Cho tôi hỏi họ làm như vậy có đúng không? Tôi có thể tìm hiểu quy định tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Thế Lâm (thelam*****@gmail.com)

Phương thức bồi thường do phương tiện vận tải hành khách trên đường thủy nội địa không thể tiếp tục hành trình vì lý do bất khả kháng được quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 16 Thông tư 80/2014/TT-BGTVT về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa. Cụ thể là:

Trường hợp không thể hành trình tiếp được, phương tiện phải quay về bến gần nhất hoặc bến xuất phát thì hành khách không phải trả thêm tiền vé, tiền cước đoạn đường quay về; người kinh doanh vận tải phải hoàn lại tiền vé, tiền cước tương ứng với đoạn đường chưa đi cho hành khách.

Căn cứ quy định trên thì nếu xảy ra trường hợp bất khả kháng mà phương tiện không thể tiếp tục hành trình mà phải quay về bến xuất phát hặc bến gần nhất thì phải hoàn tiền lại tiền vé, tiền cước ký gửi hành lý, hàng hóa tương ứng với đoạn đường mà hành khách chưa đi.

Theo quy định của pháp luật tại Đoạn 2 Khoản 1 Điều 156 Bộ Luật Dân sự 2015 thì sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Sự kiện bất khả kháng ở đây có thể là các tình huống bất thường xảy ra ngoài tầm kiểm soát như chiến tranh, đình công, nổi loạn, tội phạm, thiên tai (như lũ lụt, động đất, phun trào núi lửa), địch họa,....

Trước khi cho phương tiện rời bến bắt buộc người kinh doanh vận tải, thuyền trưởng và các thuyền viên phải kiểm tra tình hình phương tiện (động cơ, trang thiết bị,...) có đủ điều kiện để tham gia giao thông đường thủy nội địa hay không. Sau khi đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật thì mới cho phương tiện rời bến. Nên việc động cơ bị cháy không thể xem là sự kiện bất khả kháng được mà thuộc trường hợp phương tiện bị hư hỏng, không thể tiếp tục hành trình do lỗi của người kinh doanh vận tải.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư 80/2014/TT-BGTVT thì trường hợp phương tiện đang hành trình nếu bị hỏng, không tiếp tục hành trình được, Thuyền trưởng phải tìm mọi biện pháp đưa hành khách tới cảng, bến gần nhất bảo đảm an toàn, thông báo cho người kinh doanh vận tải biết và thực hiện theo các quy định sau đây:

- Nếu hành khách phải chờ đợi qua đêm thì người kinh doanh vận tải phải bố trí nơi ăn, nghỉ cho hành khách và chịu mọi chi phí;

- Nếu hành khách không muốn chờ đợi để đi tiếp thì người kinh doanh vận tải phải trả lại tiền vé, tiền cước tương ứng với đoạn đường còn lại cho hành khách;

- Nếu người kinh doanh vận tải bố trí được phương tiện khác nhưng phải quay trở lại bến xuất phát thì người kinh doanh vận tải phải hoàn lại toàn bộ tiền vé, tiền cước cho hành khách.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về bồi thường do phương tiện vận tải hành khách trên đường thủy nội địa không thể tiếp tục hành trình vì lý do bất khả kháng. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo quy định tại Thông tư 80/2014/TT-BGTVT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào