Tịch thu tài sản được quy định như thế nào trong Bộ Luật Hình sự 2015?
Theo quy định tại Điều 45 Bộ Luật Hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:
Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước.
Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Từ quy định trên có thể thấy, tịch thu tài sản là hình phạt bổ sung và chỉ áp dụng đối với tội phạm có tính chất nghiêm trọng về an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Khi tuyên hình phạt tịch thu tài sản, Tòa án có thể tuyên tước một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội. Tài sản bị tước phải thuộc sở hữu của người bị kết án; tài sản đó có thể là tài sản người bị kết án đang sử dụng hoặc là tài sản đã cho vay, mượn, gửi người khác giữ hoặc đang cầm cố thế chấp... Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống. Đây là quy định tiến bộ, thể hiện tính nhân đạo trong pháp luật hình sự, bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với người phạm tội thì vẫn phải bảo đảm cho người chịu hình phạt cũng như gia đình họ có những điều kiện nhất định để ổn định cuộc sống.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hình phạt tịch thu tài sản. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Bộ Luật Hình sự 2015.
Trân trọng!