Hình phạt quản chế được quy định như thế nào trong Bộ Luật Hình sự 2015?
Theo quy định tại Điều 43 Bộ Luật Hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì: Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Như vậy, hình phạt quản chế chính là một hình thức cư trú bắt buộc, nhưng kèm theo điều kiện là phải cải tạo ở nơi cư trú, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương nơi họ đến cư trú sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Đối tượng áp dụng hình phạt quản chế đó là: Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.
Thời hạn quản chế: Là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Người chấp hành án phạt quản chế có thể được Tòa án miễn chấp hành hình phạt khi đã chấp hành được một phần hai thời hạn án phạt và có sự cải tạo tiến bộ theo hướng dẫn tại Điều 14 Thông tư liên tịch 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về hình phạt quản chế. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Bộ Luật Hình sự 2015.
Trân trọng!