Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay thực hiện nhiệm vụ gì?

Nhiệm vụ của nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay được quy định ra sao? Chào các bạn trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Thời gian gần đây, tôi có tìm hiểu sơ qua về một số ngành nghề thuộc lĩnh vực hàng không dân dụng và nhận thấy đây là một lĩnh vực thực sự tiềm năng đặc biệt đối với các lao động trẻ tuổi. Trong đó, một vài chức danh nhân viên hàng không tôi chưa nắm rõ lắm. Cho tôi hỏi, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay được quy định nhiệm vụ gì đối với quá trình khai thác tàu bay của các hãng hàng không? Tôi có thể tìm thêm thông tin tại đâu? Rất mong nhận được hồi âm của Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Vũ Thanh Hải (hai***@yahoo.com)

Nhiệm vụ của nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay được quy định tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư 61/2011/TT-BGTVT Quy định về nhân viên hàng không, cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, cơ sở đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không, hướng dẫn bởi Khoản 2 Mục I Phần B Hướng dẫn 899/HD-CHK năm 2013. Theo đó:

Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay.

Trong quá trình khai thác tàu bay, bên cạnh các chức danh như thành viên tổ lái, tiếp viên hàng không, thì đội ngũ nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay gọi chung là bộ phận kỹ thuật đóng vai trò, vị trí quan trọng không kém đối với việc đảm bảo an toàn trong hoạt động của tàu bay. 

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phát triển rộng mở không ngừng, kéo theo đó, ngành Hàng không phát triển mạnh mẽ với số lượng máy bay tư nhân và máy bay thương mại ngày càng tăng tại hầu hết các quốc gia cộng với sự thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề cao đã, đang và sẽ đem lại nhiều cơ hội cho những ai muốn làm trong lĩnh vực kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và các thiết bị tàu bay. Theo đó, một tạp chí quốc tế từng nhận định: “Những người trẻ có ước mơ bay hay sửa chữa máy bay có thể chào đón một tương lai sáng lạn trong một lĩnh vực đầy thách thức và thú vị”.

Với triển vọng nhu cầu và nghề nghiệp như trên, dễ dàng hiểu được tại sao việc tham gia vào lĩnh vực Hàng không hiện nay, đặc biệt là ngành Kỹ sư bảo trì máy bay là quyết định đúng đắn cho những cá nhân có ý chí và ước vọng  tiến thân. Ở Việt Nam, mức lương khởi điểm của các kỹ thuật viên bảo trì máy bay tại công ty VAECO (Vietnam Airlines) có thể lên tới 1.000 USD (hơn 20 triệu đồng), một con số đáng mơ ước cho tất cả những người trẻ vừa mới bắt đầu khởi nghiệp. Trong tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" của thị trường lao động Việt Nam hiện nay, với nhu cầu, tiềm năng rộng mở của ngành kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa máy bay nói riêng và khối ngành nghề kỹ thuật nói chung, nếu các bạn trẻ biết nắm bắt cơ hội thì vấn đề việc làm sẽ không đến mức quá quan ngại như chúng ta đang phải đối mặt hiện nay. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nhiệm vụ của nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bayĐể hiểu chi tiết hơn nội dung này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 61/2011/TT-BGTVT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào