Xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm đi vay để góp vốn vào doanh nghiệp khác
Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 59 Nghị định 73/2016/NĐ-CP có quy định về nguyên tắc đầu tư như sau: doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không được đi vay để đầu tư trực tiếp hoặc ủy thác đầu tư vào chứng khoán, bất động sản và góp vốn vào doanh nghiệp khác.
Như vậy, việc doanh nghiệp bảo hiểm đi vay để góp vốn vào doanh nghiệp khác đã vi phạm nguyên tắc đầu tư và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, cụ thể:
Xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm đi vay để góp vốn vào doanh nghiệp khác được quy định tại Điểm a Khoản 3; Khoản 4 và Khoản 5 Điều 29 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số như sau:
3. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Đi vay để đầu tư trực tiếp hoặc ủy thác đầu tư vào chứng khoán, bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác;
…
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này;
b) Buộc bãi nhiệm chức danh người quản trị, điều hành đã được Bộ Tài chính phê chuẩn đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này;
c) Buộc đình chỉ các chức danh đã được doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bổ nhiệm đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.
Nếu vi phạm những quy định trên, doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ bị phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Đồng thời, những chức danh quản trị, điều hành được Bộ Tài chính phê chuẩn hoặc doanh nghiệp bổ nhiệm gây ra vi phạm sẽ bị buộc bãi nhiệm, buộc đình chỉ và số lợi, lợi nhuận bất hợp pháp từ việc đi vay để góp vốn vào doanh nghiệp khác phải nộp lại. Một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 2 tháng đến 3 tháng.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm đi vay để góp vốn vào doanh nghiệp khác. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật