Mua phải đất đang bị kê biên thì phải làm sao?

Mua phải đất đang bị kê biên thì phải làm sao? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Minh Hùng, hiện đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Cần Thơ, tôi có một vấn đề rất lo lắng muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp tôi. Vào tháng 03/2017, tôi có mua một miếng đất của công Xuân (bạn đồng nghiệp của tôi) với giá 350 triệu. Hợp đồng mua bán được soạn ra, 2 bên đã ký và đem đi công chứng tại Phòng công chứng TP. Cần Thơ. Nhưng tới khi tôi mang giấy tờ, sổ đỏ đi đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì lại được thông báo là đất đã bị kê biên theo một bản án được lập hồi tháng 12/2016. Tôi cũng đã được cung cấp Bản thông báo về việc cưỡng kế kê biên mảnh đất của ông Xuân. Trước tình hình đó, tôi có tới tìm gặp và đề nghị ông A trả lại số tiền mua đất nhưng ông Xuân không đồng ý và còn tránh mặt tôi. Cho tôi hỏi, trường hợp này tôi phải làm sao để không mất tiền oan. Mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! (minh.hung***@gmail.com)

Với vấn đề của bạn, có rất nhiều thứ phải làm rõ. Ban biên tập xin phân tích như sau:

Thứ nhất: Về tính hợp pháp của việc chuyển nhượng đất

Theo quy định tại Điều 188 Luật đất đai 2013 về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì:

Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

- Đất không có tranh chấp;

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

- Trong thời hạn sử dụng đất

Do đó, trong trường hợp này, do mảnh đất đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án thì mảnh đất sẽ không được phép chuyển nhượng.

Thứ hai: Về hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng đất

Có thể thấy, trường hợp này, pháp luật không cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng ông Xuân vẫn cố tình chuyển nhượng cho bạn nên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa 2 bên sẽ bị vô hiệu theo Điều 123 Bộ luật dân sự 2015: Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Việc giao dịch vô hiệu sẽ dẫn đến hậu quả theo Điều 131 Bộ luật dân sự 2015: Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Như vậy, ông Xuân bắt buộc phải trả lại số tiền đã nhận từ bạn trong trường hợp Tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu.

Thứ ba: Về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại

Khoản 2 Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 cũng có quy định: Khi hợp đồng dân sự vô hiệu thì bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại phát sinh nếu có.

Theo những gì mà bạn trình bày thì người có lỗi trực tiếp dẫn đến hợp đồng mua bán đất vô hiệu là ông A. Vì người này biết rõ đất của mình đang bị đảm bảo kê biên thi hành án nhưng vẫn thực hiện chuyển nhượng cho bạn nên sẽ là người có nghĩa vụ bồi thường khi thiệt hại xảy ra.

Vì vậy, theo các quy định pháp luật nói trên bạn hoàn toàn có thể đòi lại số tiền đã đưa cho ông A và yêu cầu bồi thường khi ông A bồi thường cho bạn một khoản tiền.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nhận chuyển nhượng đất đang kê biên. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật đất đai 2013 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Kê biên tài sản là quyền sử dụng đất

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào