Yêu cầu nhân viên khi nghỉ việc phải bảo mật thông tin công ty có được không?
Chào bạn, về nguyên tắc, hợp đồng lao động chỉ điều chỉnh những quan hệ phát sinh khi người lao động còn làm việc cho bạn. Tức là, khi người lao động ký hợp đồng lao động để làm việc cho công ty bạn thì sẽ phát sinh quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động là công ty của bạn và người lao động (NLĐ) đó. Khi đó, tất cả các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của NLĐ đối với công ty bạn sẽ tuân theo quy định của pháp luật lao động, quy chế quản lý nội bộ của công ty, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể (nếu có).
Khoản 2 Điều 23 Bộ luật lao động 2012 có quy định: Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.
Tuy nhiên, khi NLĐ đó không còn làm việc cho công ty bạn nữa, tức là hợp đồng lao động đã chấm dứt cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt quan hệ lao động giữa công ty bạn và người lao động đó. Lúc này, quan hệ giữa các bên nếu được thiết lập sẽ là quan hệ dân sự thuần túy và được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự.
Do vậy, để có thể kiểm soát và ràng buộc trách nhiệm của những người lao động đối với việc bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp sau khi họ không còn làm việc cho doanh nghiệp nữa, công ty bạn có thể ký cam kết bảo mật thông tin với những người đó, trong đó quy định những người này khi không còn làm việc cho doanh nghiệp nữa vẫn phải tuyệt đối bảo vệ bí mật công nghệ kinh doanh cho doanh nghiệp và quy định một mức bồi thường thiệt hại nếu họ có hành vi vi phạm. cam kết này được coi là thỏa thuận dân sự và ràng buộc trách nhiệm của những nhân viên đó theo pháp luật về dân sự.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc yêu cầu nhân viên khi nghỉ việc phải bảo mật thông tin công ty. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật lao động 2012 để hiểu rõ hơn nội dung này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật