An ninh hàng không là gì?
An ninh hàng không được định nghĩa tại Khoản 1 Điều 190 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006. Theo đó:
An ninh hàng không là việc sử dụng kết hợp các biện pháp, nguồn nhân lực, trang bị, thiết bị để phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, bảo vệ an toàn cho tàu bay, hành khách, tổ bay và những người dưới mặt đất.
Xuất phát từ tính chất, vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của an ninh hàng không đối với nền quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ mỗi quốc gia, tất cả các nước đều quy định rất chặt chẽ, chi tiết đối với vấn đề bảo đảm an ninh hàng không cả đối với con người và phương tiện tàu bay. Theo đó, các quốc gia đều tổ chức các lực lượng an ninh hàng không được tuyển chọn và đào tạo hết sức nghiêm ngặt, là lực lượng chủ chốt trong việc giám sát, kiểm tra trực tiếp các hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay cũng như quá trình hoạt động của tàu bay.
Tại Việt Nam, lực lượng an ninh hàng không được tổ chức và hoạt động thường trực tại các sân bay, cảng hàng không để kịp thời ứng phó với các sự cố bất thường có thể xảy ra. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng thi hành các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không được thực hiện bằng các biện pháp sau đây:
- Bảo vệ an ninh, quốc phòng, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, quốc phòng, công an nhân dân, phòng, chống khủng bố và pháp luật khác có liên quan;
- Thiết lập khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không để bảo vệ tàu bay và công trình, trang bị, thiết bị tại khu vực đó;
- Kiểm tra, soi chiếu, giám sát an ninh hàng không đối với tàu bay, phương tiện, người, hành lý, hàng hóa, việc ra, vào và hoạt động trong khu vực hạn chế theo quy định; lục soát đối với tàu bay, phương tiện, người, hành lý, hàng hóa khi có dấu hiệu uy hiếp an ninh hàng không;
- Loại trừ khả năng chuyên chở bất hợp pháp vật phẩm nguy hiểm bằng đường hàng không; áp dụng biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi cho phép chuyên chở vật phẩm nguy hiểm, đối tượng tiềm ẩn uy hiếp an ninh hàng không; cấm vận chuyển vĩnh viễn hoặc có thời hạn đối với hành khách gây rối, người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng hoặc trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Giám sát an ninh hàng không, duy trì trật tự, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không và trên tàu bay;
- Phòng, chống khủng bố trên tàu bay;
- Áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi cho phép vận chuyển đối tượng nguy hiểm;
- Kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không;
- Đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
Theo đó, pháp luật hiện hành cũng đồng thời liệt kê các hành vi bị coi là can thiệp bất hợp pháp đối với hoạt động hàng không dân dụng tại Khoản 31 Điều 1 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi 2014.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về khái niệm an ninh hàng không. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật