Khi nào Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng không quốc tế?

Khi nào Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng không quốc tế? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là sinh viên trường Đại học Mở TP.HCM. Trong quá trình học,em có tìm hiểu thêm về lĩnh vực hàng không quốc tế. Tuy nhiên, có một vài vấn đề em còn chưa nắm rõ. Anh chị cho em hỏi, đối với tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng không quốc tế, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết trong những trường hợp nào? Em có thể tham khảo thêm nội dung này tại đâu? Rất mong nhận được hỗ trợ từ Ban biên tập. Em xin cảm ơn! Trần Nguyễn Việt Hoàng (hoang***@gmail.com)

Các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam đối với các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng không quốc tế được quy định tại Khoản 1 Điều 172 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006. Cụ thể bao gồm:

a) Người vận chuyển có trụ sở chính hoặc địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam;

b) Người vận chuyển có địa điểm kinh doanh và giao kết hợp đồng vận chuyển tại Việt Nam;

c) Việt Nam là địa điểm đến của hành trình vận chuyển.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phát triển ngày một rộng mở, quan hệ giao thương buôn bán vượt ra khỏi phạm vi biên giới của các quốc gia, các hợp đồng vận chuyển hàng không quốc tế cũng được áp dụng ngày càng phổ biến thì việc quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam đối với các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hành khách, hành lý và hàng hóa ở phạm vi quốc tế (hợp đồng vận chuyển hàng không quốc tế) là hoàn toàn cần thiết và hợp lý.

Theo đó, thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng không quốc tế là khá rộng, cụ thể là để lựa chọn Việt Nam làm cơ quan tài phán đứng ra giải quyết tranh chấp, các bên trong hợp đồng vận chuyển không nhất thiết phải là người Việt Nam, đơn cử như trường hợp Việt Nam là điểm đến của hành trình vận chuyển, các bên trong hợp đồng đều có thể là người nước ngoài. Hơn nữa, hiện nay đối tượng của các hợp đồng vận chuyển hàng không quốc tế hầu hết là hàng hóa với số lượng lớn, hàng hóa xuất nhập khẩu, do vậy, trong quá trình vận chuyển, tranh chấp xảy ra, các bên có cơ hội rộng mở hơn trong lựa chọn Tòa án giải quyết cũng đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy tranh chấp được giải quyết nhanh hơn, tránh trường hợp ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, quan hệ giao thương buôn bán giữa các bên. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam đối với các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng không quốc tế. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Vận chuyển hàng không

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào