Đào được báu vật trong đất của gia đình có phải giao nộp cho nhà nước không?

Đào được báu vật trong đất của gia đình có phải giao nộp cho nhà nước không? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Hoàng Long, hiện đang sinh sống ở Long An, tôi có vấn đề rất bức xúc muốn nhờ Ban biên tập Thư Ký Luật tư vấn. Chuyện là tôi đang đào móng xây nhà, trong quá trình đào móng, tôi có phát hiện được một hòn đá có hình thù rất giống con kỳ lân, màu xanh lam, ánh ngọc, lấp lánh rất đẹp. Nhiều người trong làng tới xem thì bảo đây là đá quý, có giá ít nhất cũng vài chục tỷ. Tôi rất mừng, đang tìm người mua thì bên xã cử người xuống yêu cầu tôi phải giao nộp lại cho xã vì đây là tài sản quốc gia. Tôi không giao nộp thì họ dọa sẽ cưỡng chế. Tôi rất bức xúc vì vật này là tôi đào được trên đất nhà tôi, Nhà nước có làm gì đâu mà đòi lấy của tôi chứ. Ban biên tập có thể tư vấn để lấy lại sự công bằng giúp tôi được không ạ? Chân thành cảm ơn! (093******)

Vấn đề bạn hỏi, Ban biên tập rất hiểu và thông cảm nhưng pháp luật Việt Nam hiện hành bắt buộc bạn khi phát hiện báu vật, cổ vật dưới lòng đất thì dù là đất nhà hay đất của công thì bạn đều phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có hướng giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo đó, nếu hòn đá được đào thực sự có giá trị như bạn trình bày thì sẽ được xử lý theo Khoản 2 Điều 229 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể như sau:

Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật

- Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì được xử lý như sau:

+ Giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy

+ Nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

Như vậy, khi phát hiện vật có giá trị dưới lòng đất thì gia đình bạn nên có biện pháp bảo vệ, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hưởng giá trị tài sản theo quy định nêu trên.

Trường hợp gia đình bạn phát hiện hoặc nghi ngờ đó là những vật có giá trị mà không thông báo, không giao nộp thì có thể bị xử lý với các hình thức sau:

- Xử phạt hành chính: Nếu tảng đá được xác định là đá quý hoặc bán quý, có giá trị (lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu) thì được coi là thuộc sở hữu Nhà nước mà không thuộc quyền sở hữu của gia đình bạn nữa. Theo quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người có hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và tịch thu tang vật.

- Xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 1999, tội Chiếm giữ trái phép tài sản bị xử phạt như sau:

+ Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

+ Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến 5 năm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc giao nộp cho nhà nước báu vật đào được trong đất của gia đình. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào