Xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm không đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ với Bộ Tài chính

Xử phạt như thế nào đối với doanh nghiệp bảo hiểm không đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ với Bộ Tài chính? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Nhất Nam. Tôi đang làm việc tại chi nhánh bảo hiểm AIA. Vì nhu cầu công việc và cần phải tìm hiểu một số quy định của pháp luật để áp dụng, tôi có thắc mắc về đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ với Bộ Tài chính cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi và nếu như doanh nghiệp bảo hiểm không đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ với Bộ Tài chính thì sẽ bị xử lý như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Tôi mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! (nhatnam***@gmail.com) 

Xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm không đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ với Bộ Tài chính được quy định tại Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 6 Điều 28 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số như sau:

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ với Bộ Tài chính;

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

Ngoài ra, liên quan đến nội dung trên, Ban biên tập cung cấp thêm thông tin đến bạn về thủ tục đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ cần những tài liệu sau:

- Văn bản đề nghị áp dụng hoặc thay đổi phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm theo mẫu do Bộ Tài chính quy định;

- Tài liệu giải trình và minh họa về các phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến áp dụng có xác nhận của chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ và biên khả năng thanh toán (đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài), của chuyên gia tính toán (đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe). Trường hợp thay đổi phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, tài liệu giải trình phải chứng minh được phương pháp trích lập mới phản ánh chính xác, đầy đủ hơn so với phương pháp trích lập cũ về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.

Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.

Tóm lại, công ty bạn nên tham khảo thủ tục đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ nêu trên để chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gửi đến Bộ Tài chính, tránh tình trạng vi phạm và bị xử phạt. Vì nếu không đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ với Bộ Tài chính, công ty có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời, sẽ bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu (tức là phải đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ với Bộ Tài chính).

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm không đăng ký phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ với Bộ Tài chính. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Tài chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào