Thành phần hồ sơ công nhận người hoạt động cách mạng từ trước năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

Thành phần hồ sơ công nhận người hoạt động cách mạng trước và từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Nguyễn Văn Hường, hiện tại tôi đang sống là làm việc tại Quảng Trị. Năm 1943, cha tôi có tham gia hoạt động cách mạng và hi sinh trong cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, có giấy báo tử của quân đội. Nhưng cha tôi chưa được công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945. Do đó, tôi đang chuẩn bị hồ sở để xin nhà nước công nhận cho cha tôi. Cho tôi hỏi, tôi phải chuẩn bị hồ sơ như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Nguyễn Văn Hường (huong*****@gmail.com)

Thành phần hồ sơ công nhận người hoạt động cách mạng trước và từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 được quy định tại Điều 4 Thông tư 202/2013/TT-BQP hướng dẫn trình tự thủ tục ưu đãi người có công cách mạng. Cụ thể là:

Hồ sơ: 03 bộ (lưu tại Cục Cán bộ/Tổng cục Chính trị; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý và thực hiện chế độ; đối tượng hoặc thân nhân đối tượng), mỗi bộ gồm:

1. Bản khai quá trình hoạt động cách mạng (Mẫu LT1 hoặc Mẫu TKN1), có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã). Trường hợp người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần thì đại diện thân nhân hoặc người thờ cúng lập bản khai (Mẫu LT2 hoặc mẫu TKN2), kèm theo Biên bản ủy quyền (Mẫu UQ).

2. Bản sao có chứng thực (2 mặt) quyết định nghỉ hưu hoặc phiếu cá nhân của cán bộ quân đội nghỉ hưu hoặc quyết định phục viên, xuất ngũ hoặc giấy báo tử, chứng tử (nếu đã hy sinh, từ trần) và một trong các giấy tờ quy định tại Điều 6 hoặc Điều 12 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP.

Căn cứ quy định trên và đối chiếu với trường hợp mà bạn cung cấp cho Ban biên tập Thư Ký Luật, thì cha bạn đã hoạt động cách mạng từ năm 1943 và hy sinh trong cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Do đó, bạn phải chuẩn bị 3 bộ hồ sơ, mỗi bộ bao gồm các loại giấy tờ sau:

- Bản khai quá trình hoạt động cách mạng của cá nhân dùng cho thân nhân người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 đã hy sinh, từ trần, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Mẫu LT2)

- Bản sao có chứng thực giấy báo tử của cha bạn.

- Một trong các giấy tờ sau: nếu cha bạn là đảng viên thì có lý lịch của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1962 trở về trước, lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên, hồ sơ, tài liệu đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng lịch sử của trung ương và địa phương từ cấp huyện trở lên; hồ sơ liệt sĩ;

Sau khi chuẩn bị đầy đủ 03 bộ hồ sơ, bản gửi hồ sơ đến Cục Cán bộ/Tổng cục Chính trị. Khi tiếp nhận hồ sơ xác nhận đối tượng ưu đãi người có công với cách mạng, nếu hồ sơ không hợp lệ thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ thì Cục Cán bộ/Tổng cục Chính trị hoàn trả và thông báo bằng văn bản cho bạn để điều chỉnh, bổ sung. Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 30 ngày làm việckể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Cán bộ/Tổng cục Chính trị đề nghị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ký quyết định công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thành phần hồ sơ công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và người hoạt động các mạng từ 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo quy định tại Thông tư 202/2013/TT-BQP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào