Tội hiếp dâm trong Bộ Luật Hình sự 2015 được quy định như thế nào?
Tội hiếp dâm được quy định trong Điều 141 Bộ Luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) như sau:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, theo quy định trên thì một hành vi phạm tội hiếp dâm trong Bộ Luật Hình sự 2015 phải thỏa mãn các dấu hiệu sau đây:
Thứ nhất, về khách thể: Xâm phạm quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền tự do tình dục của con người. Đối tượng tác động là người phụ nữ.
Thứ hai, về mặt khách quan: Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác để giao cấu trái với ý muốn của họ.
Thứ ba, về mặt chủ quan: Hành vi thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp
Thứ tư, về chủ thể: Là người đủ năng lực trách nhiệm hình sự (có thể là nam giới hoặc nữa giới). Theo các Bộ luật hình sự trước đây thì thực tiễn xét xử loại tội này ở nước ta xác định chủ thể của tội phạm này là nam giới. Nữ giới chỉ có thể tham gia với vai trò là người đồng phạm như người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tội hiếp dâm trong Bộ Luật Hình sự 2015. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Bộ Luật Hình sự 2015.
Trân trọng!