Xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm không duy trì vốn chủ sở hữu bằng mức vốn pháp định

Xử phạt như thế nào đối với doanh nghiệp bảo hiểm không duy trì vốn chủ sở hữu bằng mức vốn pháp định? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Phong Phú. Tôi đang công tác tại công ty bảo hiểm Liên Hiệp. Tôi đang trong giai đoạn được đào tạo và phải hoàn thành một vài bài báo cáo. Tuy nhiên, tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp tôi, cụ thể là nếu doanh nghiệp bảo hiểm không duy trì được vốn chủ sở hữu bằng mức vốn pháp định ban đầu thì sẽ bị xử lý như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Tôi mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! (phong_phu9***@gmail.com) 

Xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm không duy trì vốn chủ sở hữu bằng mức vốn pháp định được quy định tại Điểm a Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều 26 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số như sau:

1. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không duy trì vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đã góp, vốn được cấp bằng mức vốn pháp định theo quy định pháp luật;

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc bãi nhiệm chức danh người quản trị, điều hành của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã được Bộ Tài chính phê chuẩn đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này.

Ngoài ra, liên quan đến nội dung trên, Ban biên tập thông tin thêm đến bạn về việc duy trì vốn chủ sỡ hữu sẽ được thực hiện như sau:

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không thấp hơn mức vốn pháp định, cụ thể:

+ Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ:

- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam; (vốn chủ sở hữu không thấp hơn 300 tỷ)

- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam; (vốn chủ sở hữu không thấp hơn 350 tỷ)

- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam. (vốn chủ sở hữu không thấp hơn 400 tỷ)

+ Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ:

- Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam; (vốn chủ sở hữu không thấp hơn 600 tỷ)

- Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 800 tỷ đồng Việt Nam; (vốn chủ sở hữu không thấp hơn 800 tỷ)

- Kinh doanh bảo nhân thọ, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam. (vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1000 tỷ)

+ Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam. (vốn chủ sở hữu không thấp hơn 300 tỷ)

+ Mức vốn pháp định của doanh nghiệp tái bảo hiểm:

- Kinh doanh tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 400 tỷ đồng Việt Nam; (vốn chủ sở hữu không thấp hơn 400 tỷ)

- Kinh doanh tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 700 tỷ đồng Việt Nam; (vốn chủ sở hữu không thấp hơn 700 tỷ)

- Kinh doanh cả 3 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe: 1.100 tỷ đồng Việt Nam. (vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1100 tỷ)

+ Mức vốn pháp định của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm:

- Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm: 4 tỷ đồng Việt Nam; (vốn chủ sở hữu không thấp hơn 4 tỷ)

- Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm: 8 tỷ đồng Việt Nam. (vốn chủ sở hữu không thấp hơn 8 tỷ)

+ Bảo đảm biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu.

Theo đó, hàng quý, căn cứ vào báo cáo tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm phải đánh giá lại nguồn vốn chủ sở hữu. Trường hợp nguồn vốn chủ sở hữu chưa đáp ứng quy định trên, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện các thủ tục bổ sung vốn theo quy định pháp luật trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc quý. Nếu không duy trì đủ nguồn vốn chủ sở hữu hoặc thực hiện bổ sung khi thiếu, doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, người quản trị, điều hành của doanh nghiệp bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn gây ra vi phạm sẽ bị buộc bãi nhiệm và một phần nội dung liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 2 đến 3 tháng.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm không duy trì vốn chủ sở hữu bằng mức vốn pháp định. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Xử phạt vi phạm hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào