Luật sư phải tố giác thân chủ theo Bộ Luật Hình sự 2015
Nghĩa vụ tố giác tội phạm được quy định tại Điều 19 Bộ Luật Hình sự 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) như sau:
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
Như vậy, theo quy định này thì nghĩa vụ tố giác tội phạm được quy định tại Điều 389 Bộ Luật Hình sự 2015 có thể chia thành ba trường hợp sau:
Thứ nhất, cá nhân bất kỳ khi biết rõ một người chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ hai, ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ ba, người bào chữa của người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nghĩa vụ tố giác tội phạm. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Bộ Luật Hình sự 2015.
Trân trọng!