Thủ tục đăng ký kinh doanh và các thủ tục về thuế đối với mặt hàng Đông Trùng Hạ Thảo
Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế và hóa đơn:
Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh như sau:
1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
b) Ngành, nghề kinh doanh;
c) Số vốn kinh doanh;
d) Số lao động;
đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
2. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này;
c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký thuế ban đầu với cơ quan thuế tại địa phương. Cụ thể, bạn tham khảo tại Điều 22, 23, 24 Luật quản lý thuế 2006.
Bên cạnh đó, bạn cần mua hóa đơn của Cục thuế theo Điều 10 Nghị định 51/2010/NĐ-CP và lập Tờ thông báo phát hành hóa đơn trước khi sử dụng theo Điều 9 Thông tư 39/2014/TT-BTC.
Đăng ký mẫu mã sản phẩn và nhãn hiệu sản phẩm (nếu có)
Khi kinh doanh thì việc đăng ký mẫu mã bao bì là không bắt buộc. Tuy nhiên nếu bạn muốn được bảo hộ mẫu mã bao bì đó, tránh để người khác sao chép, giả mạo thì bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hướng dẫn từ Điều 33 đến Điều 36 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.
Bên cạnh đó, Khoản 13 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định về quyền đăng ký nhãn hiệu như sau:
“13. Điều 87 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 87. Quyền đăng ký nhãn hiệu ... 2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó. ...”
Theo đó, nếu bạn muốn đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà bạn phân phối thì bạn cần thương lượng để nhận được sự đồng ý của nhà sản xuất.
Về thủ tục đăng ký nhãn hiệu, bạn tham khảo từ Điều 37 đến Điều 40 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc kinh doanh sản phẩm Đông Trùng Hạ Thảo. Để có thể hiểu rõ hơn về điều này, bạn vui lòng tham khảo chi tiết các văn bản vừa nêu.
Trân trọng!