Trường hợp tạm ứng vốn đối với dự án có vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bắt buộc phải có bảo lãnh

Bắt buộc phải có bảo lãnh khi tạm ứng vốn đối với dự án có vốn đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong trường hợp nào? Xin chào Ban biên tập thư Ký Luật, tôi là Ngô Minh Hiền, hiện đang làm cho một dự án hơn 10 tỷ đồng có vốn đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Hiện tại, tôi được biết nhà thầu đang có nhu cầu tạm ứng 2 tỷ đồng từ chủ đầu tư, nhưng phải có bảo lãnh thì mới được tạm ứng. Cho tôi hỏi, trong các trường hợp nào thì phải có bảo lãnh khi tạm ứng vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước? Tôi có thể tìm hiểu quy định trên tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Ngô Minh Hiền (hien*****@gmail.com)

Trường hợp tạm ứng vốn đối với dự án có vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bắt buộc phải có bảo lãnh được quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 8 Thông tư 08/2016/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Cụ thể là:

Đối với các hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng lớn hơn 01 tỷ đồng yêu cầu có bảo lãnh tạm ứng:

- Trước khi Kho bạc Nhà nước thực hiện việc tạm ứng hợp đồng cho chủ đầu tư để tạm ứng vốn cho nhà thầu hoặc nhà cung cấp, chủ đầu tư gửi đến Kho bạc Nhà nước bảo lãnh tạm ứng hợp đồng của nhà thầu hoặc nhà cung cấp với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng.

- Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng sẽ được giảm trừ tương ứng với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi qua mỗi lần thanh toán giữa bên giao thầu và bên nhận thầu. Chủ đầu tư đảm bảo và chịu trách nhiệm giá trị của bảo lãnh tạm ứng tương ứng với số dư tiền tạm ứng còn lại.

- Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi chủ đầu tư đã thu hồi hết số tiền tạm ứng.

Như vậy, căn cứ quy định mà Ban biên tập Thư Ký Luật đã trích dẫn thì đối với các hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng lớn hơn 01 tỷ đồng thì bắt buộc phải có bảo lãnh.

Đối với các trương hợp sau đây thì không bắt buộc phải bảo lãnh tạm ứng:

- Các hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng nhỏ hơn hoặc bằng 01 tỷ đồng. Trường hợp này, để đảm bảo sử dụng vốn tạm ứng an toàn và có hiệu quả, chủ đầu tư tùy theo điều kiện cụ thể được quyền yêu cầu nhà thầu bảo lãnh tạm ứng vốn theo nội dung nêu tại điểm a, khoản 4 Điều 8 Thông tư 08/2016/TT-BTC và chịu trách nhiệm về yêu cầu bảo lãnh tạm ứng của mình.

- Các hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện bao gồm cả hình thức do cộng đồng dân cư thực hiện theo các chương trình mục tiêu;

- Các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng và công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (trừ trường hợp công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải xây dựng các công trình).

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trường hợp tạm ứng vốn đối với dự án có vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bắt buộc phải có bảo lãnh. Để tìm hiểu thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo quy định tại Thông tư 08/2016/TT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngân sách nhà nước

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào