Thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của doanh nghiệp được quy định ra sao?

Chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Thu Hà, hiện đang sinh sống tại Bình Phước, Ban biên tập vui lòng cho tôi hỏi một vấn đề như sau: Công ty tôi hiện tại đang sản xuất các con lăn cao su, nhưng không sử dụng nước cho mục đích sản xuất do vậy ko có nước thải công nghiệp. Mà chỉ có nước thải sinh hoạt phát sinh từ nhà ăn (bếp ăn, và sinh hoạt hàng ngày của công nhân viên). Nhưng bên Sở Tài nguyên có gửi công văn yêu cầu phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Tôi đã nhiều lần gửi công văn hỏi ý kiến lên Sở Tài nguyên Môi trường nhưng không nhận được thư trả lời phúc đáp câu hỏi. Họ vẫn tiếp tục gửi công văn thông báo mức thu phí đối với nước thải công nghiệp. Bên tôi có giấy phép xả thải trong đó ghi khá rõ là được xả nước thải sinh hoạt vào nguồn nước. Chúng tôi có thực hiện cam kết quan trắc nước thải sinh hoạt định kỳ 2 lần/năm theo cam kết bảo vệ môi trường. Mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi vấn đề này. Chân thành cảm ơn. Lan Anh (anh***@gmail.com)

Theo Điều 15 Nghị định 201/2013/NĐ-CP quy định về Giấy phép tài nguyên nước gồm: Giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước biển; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Như vậy, theo Luật tài nguyên nước 2012 và các văn bản hướng dẫn, không có loại giấy phép là "Giấy phép xả nước thải sinh hoạt" hay "Giấy phép xả nước thải công nghiệp", mà chỉ có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, theo quy định tại Khoản 2,3 Điều 2 Nghị định 154/2016/NĐ-CP quy định như sau:

2. Nước thải công nghiệp là nước thải từ:

a) Cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến: Nông sản, lâm sản, thủy sản;

b) Cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến: Thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá;

c) Cơ sở chăn nuôi, giết mổ: Gia súc, gia cầm tập trung;

d) Cơ sở nuôi trồng thủy sản;

đ) Cơ sở sản xuất thủ công nghiệp trong các làng nghề;

e) Cơ sở: Thuộc da, tái chế da;

g) Cơ sở: Khai thác, chế biến khoáng sản;

h) Cơ sở: Dệt, nhuộm, may mặc;

i) Cơ sở sản xuất: Giấy, bột giấy, nhựa, cao su;

k) Cơ sở sản xuất: Phân bón, hóa chất, dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, đồ gia dụng;

l) Cơ sở: Cơ khí, luyện kim, gia công kim loại, chế tạo máy và phụ tùng;

m) Cơ sở sản xuất: Linh kiện, thiết bị điện, điện tử;

n) Cơ sở: Sơ chế phế liệu, phá dỡ tàu cũ, vệ sinh súc rửa tàu;

o) Nhà máy cấp nước sạch;

p) Hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp;

q) Cơ sở sản xuất khác.

3. Nước thải sinh hoạt là nước thải từ:

a) Hộ gia đình;

b) Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân (trừ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các đơn vị vũ trang nhân dân);

c) Trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các tổ chức, cá nhân không gắn liền với địa điểm sản xuất, chế biến;

d) Cơ sở: Rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy;

đ) Bệnh viện; phòng khám chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo, nghiên cứu; cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác;

e) Các tổ chức, cá nhân và đối tượng khác có nước thải không được quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, không xác định nước thải được thải ra từ hoạt động gì, mà căn cứ vào nguồn xả thải từ đâu. Do cơ sở công ty bạn là cơ sở sản xuất các con lăn cao su nên công ty bạn chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Để có thể hiểu rõ hơn về điều này, bạn vui lòng tham khảo chi tiết tại Nghị định 201/2013/NĐ-CP và Luật tài nguyên nước 2012.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào