Mức vốn tạm ứng tối thiểu đối với dự án có vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước

Mức vốn tạm ứng tối thiểu đối với dự án có vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập thư Ký Luật, tôi là Nguyễn Tấn Tuân, hiện tại tôi đang là một nhà đầu tư tự do. Trong thời gian này, tôi đang tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến các dự án có vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Theo như thông tin tôi tìm hiểu được thì các dự án đầu tư này được tạm ứng vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cho tôi hỏi, mức cốn tạm ứng tối thiểu đối với các dự án có vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước là bao nhiêu? Tôi có thể tìm hiểu quy định trên tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Nguyễn Tấn Tuân (tuan*****@gmail.com)

Mức vốn tạm ứng tối thiểu đối với dự án có vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 8 Thông tư 08/2016/TT-BTC quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Cụ thể là:

- Đối với hợp đồng tư vấn:

Hợp đồng có giá trị trên 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị hợp đồng;

Hợp đồng có giá trị đến 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng.

- Đối với hợp đồng thi công xây dựng:

+ Hợp đồng có giá trị dưới 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng;

+ Hợp đồng có giá trị từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị hợp đồng;

+ Hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.

- Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EC, EP, PC, EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác: mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.

Việc tạm ứng vốn phải đảm bảo thực hiện sau khi hợp đồng có hiệu lực, riêng đối với hợp đồng thi công xây dựng thì phải có cả kế hoạch giải phóng mặt bằng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng; việc tạm ứng vốn của chủ đầu tư cho nhà thầu hoặc nhà cung cấp cho các công việc cần thiết để triển khai thực hiện hợp đồng hoặc các công việc không thông qua hợp đồng; chủ đầu tư có thể được tạm ứng vốn một lần hoặc nhiều lần cho một hợp đồng và các nguyên tắc khác được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư 08/2016/TT-BTC.

Ngoài ra, để được tạm ứng vốn, chủ đầu tư gửi đến Kho bạc Nhà nước các tài liệu sau:

- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư - phụ lục số 05 kèm theo;

- Chứng từ chuyển tiền ban hành theo quy định hệ thống chứng từ kế toán của Bộ Tài chính;

- Bảo lãnh khoản tiền tạm ứng của nhà thầu (chủ đầu tư gửi Kho bạc Nhà nước bản sao có đóng dấu sao y bản chính của chủ đầu tư) đối với các trường hợp phải bảo lãnh tạm ứng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về mức vốn tạm ứng tối thiểu đối với dự án có vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Để tìm hiểu thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo quy định tại Thông tư 08/2016/TT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Ngân sách nhà nước

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào