Từ năm 2017, có phải bồi thường khi chia tay người yêu không?
Vấn đề bạn hỏi, Ban biên tập Thư Ký Luật xin khẳng định pháp luật không có quy định yêu cầu bồi thường "tình phí" khi chia tay người yêu. Để hiểu rõ hơn, Ban biên tập xin phân tích như sau:
Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm thiệt hại gồm có:
- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy bạn chỉ phải bồi thường cho người yêu cũ nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
- Bạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật
- Bạn có lỗi
- Có thiệt hại xảy ra trên thực tế
- Thiệt hại xảy ra là do hành vi vi phạm pháp luật và ngược lại hành vi vi phạm pháp luật là nguyên nhân trực tiếp gây ga thiệt hại.
Nếu bạn không có đủ các điều kiện trên, bạn không phải bồi thường gì cho người yêu cũ. Trong trường hợp người yêu cũ của bạn có dùng vũ lực để đe đọa hoặc các thủ đoạn khác để uy hiếp tình thần nhằm ép buộc bạn bồi thường 150 triệu, bạn có thể tố cáo hành vi cưỡng đoạt tài sản của người yêu theo quy định tại Điều 135 Bộ Luật hình sự 1999:
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về bồi thường tiền khi chia tay. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật