Ai bồi thường thiệt hại khi chung cư bị cháy?
Trường hợp thứ nhất, do chập điện hoặc một thiết bị nào đó của tòa nhà hư hỏng dẫn đến cháy nổ thì trường hợp này lỗi hoàn toàn thuộc chủ đầu tư.
Lỗi của chủ đầu tư bị xem xét ở một số khía cạnh sau đây:
- Thi công, lắp đặt thiết bị không đúng tiêu chuẩn thiết kế ban đầu của tòa nhà.
- Trang thiết bị không đạt yêu cầu chất lượng (sử dụng thiết bị kém chất lượng hoặc thậm chí là sử dụng hàng nhái, hàng giả) hoặc không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ nên không đủ tiêu chuẩn vận hành.
- Hệ thống báo cháy và chữa cháy không hoạt động hoặc hoạt động không như thiết kế, yêu cầu của phòng cháy chữa cháy.
- Xử lý sự cố không đúng quy trình, quy phạm về phòng cháy chữa cháy theo điều lệnh của cơ quan có thẩm quyền quy định.
- Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như chủ đầu tư không chấp hành các quy định, quyết định của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy như nâng cấp thiêt bị, điều chỉnh thiết kế…
Trong những trường hợp này chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về tài sản đã gây ra. Theo quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự, thiệt hại được bồi thường bao gồm: tài sản bị mất; tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho một số cư dân bị thiệt hại (bị bỏng, ngạt khí…) nếu họ có yêu cầu.
Về nguyên tắc bồi thường, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được mức và phương thức bồi thường thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện vụ án dân sự về bồi thường thiệt hại đối với chủ đầu tư. Tại tòa, các bên vẫn có cơ hội để thương lượng. Nếu việc thương lượng không thành, tòa án sẽ buộc chủ đầu tư bồi thường cho nguyên đơn theo mức đã được hội đồng định giá quyết định.
Trường hợp thứ hai, tài sản (xe máy, bếp than…) của cư dân tự phát hỏa hoặc gây cháy thì trường hợp này lỗi được xác định là lỗi hỗn hợp (chủ đầu tư và cá nhân là chủ tài sản gây cháy cùng có lỗi).
Lỗi của cá nhân trong trường hợp này là vô ý. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự, dù vô ý hay cố ý gây thiệt hại cho người khác thì đều phải bồi thường.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 605 Bộ luật Dân sự, người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
Chủ đầu tư được xác định là cùng có lỗi (cố ý về hành vi nhưng không cô ý về hậu quả) bởi hệ thống phòng cháy, chữa cháy đã không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả dẫn đến đám cháy lan rộng, gia tăng thiệt hại. Nếu hệ thống này hoạt động tốt đúng như thiết kế hoặc yêu cầu của cơ quan quản lý thì chắc chắc thiệt hại sẽ được hạn chế.
Bên cạnh đó, cần phải lưu ý rằng khu vực dễ bắt lửa là tầng hầm để xe. Đây có thể nói là khu vực được thiết kế về phòng cháy, chữa cháy nghiêm ngặt, đầy đủ nhất, đáp ứng được các vụ cháy ở quy mô lớn chứ không như ở các khu vực khác trong tòa nhà.
Thư Viện Pháp Luật