Khách mua nhà 8B Lê Trực muốn đòi tiền phải kiện ra tòa

Khách mua nhà 8B Lê Trực muốn đòi tiền thì phải làm sao?
Do lỗi của chủ đầu tư, tòa án sẽ buộc họ hoàn tiền đã thu của khách và bồi thường thiệt hại vì hợp đồng bị vô hiệu.

Hà Nội xác định, dự án 8B Lê Trực theo giấy phép xây dựng có chiều cao đến đỉnh tum thang là 53 m, nhưng thực tế chủ đầu tư đã tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép…

Nếu thời gian tới, những vi phạm xây dựng này được khắc phục thì vụ việc cũng tạo ra những tranh chấp nghiêm trọng giữa chủ đầu tư với những người mua căn hộ bị phá dỡ bởi số lượng người mua những căn này là không nhỏ, tổng giá trị tranh chấp là rất lớn.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở đây là tranh chấp hợp đồng và sẽ áp dụng các quy định về hợp đồng để giải quyết. Theo đó, nếu các bên tranh chấp không thương lượng được thì một trong các bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết. Quyền lợi của người mua nhà sẽ được bảo vệ trên cơ sở quy định của pháp luật.

Để xác định quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mỗi bên cần xác định lỗi dẫn đến hợp đồng không thực hiện được đến cùng.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan đến giao dịch mua bán căn hộ. Họ cũng có quyền đề nghị tòa án áp dụng các biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo khả năng thi hành án của chủ đầu tư.Trường hợp vụ việc được chuyển đến tòa án, hợp đồng mua bán căn hộ sẽ bị xem xét theo hướng vô hiệu bởi nội dung giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật (tài sản chuyển nhượng bất hợp pháp) quy định tại điểm b Điều 122 Bộ luật Dân sự. Từ đó, trên cơ sở lỗi của chủ đầu tư, tòa án sẽ buộc họ phải hoàn tiền đã thu của khách và bồi thường thiệt hại cho người mua do hợp đồng bị vô hiệu theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự: "Khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường".

Công ty Kinh Đô đã vi phạm khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng, dự án trên thuộc trường hợp "xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn; vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp" .

Theo điểm d khoản 1 Điều 118 Luật Xây dựng, chính quyền yêu cầu chủ đầu tư phải lập phương án tiến hành phá dỡ phần vi phạm trở về theo đúng giấy phép là đúng. Nếu họ không khắc phục hoặc khắc phục không triệt để sẽ bị cưỡng chế. Mọi chi phí để cưỡng chế chủ đầu tư phải chịu, đồng thời phải nộp phạt vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, chính quyền cũng có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác để chủ đầu tư phải đối mặt với các thiệt hại về vật chất, uy tín từ đó buộc họ tự giác khắc phục hậu quả.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào