Các trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải thực hiện kiểm kê tài sản

Các trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải thực hiện kiểm kê tài sản được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Nguyễn Hồng Hạnh, hiện tại đang làm việc cho một liên hiệp hợp tác xã ở phía Nam. Thời gian vừa qua, để phục vụ nhu cầu công việc tại liên hiệp hợp tác xã, tôi đã tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã. Cho tôi hỏi, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải thực hiện kiểm kê tài sản trong các trường hợp nào? Tôi có thể tìm hiểu quy định trên tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn! Nguyễn Hồng Hạnh (hanh*****@gmail.com)

Các trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải thực hiện kiểm kê tài sản được quy định Khoản 1 Điều 11 Thông tư 83/2015/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với hợp tác xã do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Cụ thể là:

Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải tổ chức kiểm kê định kỳ hoặc đột xuất để xác định số lượng tài sản (tài sản cố định và đầu tư dài hạn, tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn, tài sản không chia) trong các trường hợp: Khi khóa sổ kế toán để lập báo cáo tài chính năm; khi thực hiện quyết định chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản; sau khi xảy ra thiên tai, dịch họa; hoặc vì lý do nào đó gây ra biến động tài sản; hoặc theo quy định của pháp luật. Thống kê tài sản thừa, thiếu, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và xác định mức bồi thường vật chất theo quy định.

Căn cứ quy đinh trên thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải tổ chức kiểm kê định kỳ hoặc đột xuất để xác định số lượng tài sản để thống kê tài sản thừa, thiếu, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý sau kiểm kê. Cụ thể xử lý như sau:

- Xử lý tổn thất tài sản sau kiểm kê: Tổn thất về tài sản là tài sản bị mất, thiếu hụt, hư hỏng, kém, mất phẩm chất, lạc hậu mốt, lạc hậu kỹ thuật, tồn kho ứ đọng được xác định trong kiểm kê định kỳ và kiểm kê đột xuất. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải xác định giá trị đã bị tổn thất, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý như sau:

+ Nếu do nguyên nhân chủ quan thì người gây ra tổn thất phải bồi thường, xử lý theo quy định của pháp luật. Đại hội thành viên hoặc cơ quan theo phân cấp tại điều lệ, quy chế quản lý tài chính quyết định mức bồi thường theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

+ Tài sản đã mua bảo hiểm nếu tổn thất thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm;

+ Giá trị tài sản tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, của tổ chức bảo hiểm, nếu thiếu được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính của công ty. Trường hợp quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp thì phần thiếu được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ;

+ Những trường hợp đặc biệt do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác gây thiệt hại nghiêm trọng, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không thể tự khắc phục được thì lập phương án xử lý tổn thất trình đại hội thành viên. Đại hội thành viên quyết định việc xử lý tổn thất theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

- Xử lý tài sản thừa sau kiểm kê: Tài sản thừa sau kiểm kê là chênh lệch giữa số tài sản thực tế kiểm kê với số tài sản ghi trên sổ sách kế toán. Tài sản thừa sau khi kiểm kê phải xác định rõ nguyên nhân và căn cứ vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý. Trường hợp giá trị tài sản thừa nếu không xác định được nguyên nhân và không tìm được chủ sở hữu được ghi nhận vào thu nhập khác của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về các trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải thực hiện kiểm kê tài sản. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên thảm khảo quy định tại Thông tư 83/2015/TT-BTC.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hợp tác xã

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào